VIỆC CHỌN VÀ TÔN KÍNH THÁNH QUAN THÀY HAY THÁNH BỔN MẠNG
  • 27/02/2018
  • Quản trị

VIỆC CHỌN VÀ TÔN KÍNH THÁNH QUAN THÀY HAY THÁNH BỔN MẠNG

Tác giả: Lm Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Giáo hội công giáo luôn biểu lộ một lòng tôn kính chân thành Đối với Đức Trinh Nữ rất thánh Maria và các thánh, nhất là trong phụng vụ. Công đồng chung Vaticanô II đã nói như sau: “Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế, Giáo hội với một tình yêu đặc biệt, tôn kính Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã được nối kết với công trình cứu chuộc của Con Mẹ bằng một mối dây bất khả phân ly… Ngoài ra, Giáo hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các thánh Tử Đạo và các Thánh khác, là những Đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa, đã đạt tới sự trọn lành và đã chiếm được phần rỗi đời đời, giờ đây ca khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta” (Hiến chế về phụng vụ Thánh Công đồng chung = PV, số 103 và 104).

Trong các hình thức tôn kính các Thánh, có việc chọn một vị thánh làm tước hiệu (titulus) hay thánh quan thày (patronus). Chúng ta thường nghe nói tới việc mừng Thánh Quan Thày của một giáo xứ hay của một người. Chúng ta đã có ý niệm chung về vị Thánh Quan Thày và việc mừng ngày lễ kính ngài. Tuy nhiên có một số điểm liên hệ tới việc chọn Thánh Quan Thày và việc mừng lễ Thánh Quan Thày cần được chúng ta hiểu biết, như ý nghĩa và những luật lệ, thủ tục cần thiết trong việc chọn và tôn kính các Thánh Quan Thày. Các luật lệ này được ghi trong Bộ Giáo luật năm 1983 và một bản luật lệ về việc chọn Thánh Quan Thày do Bộ Phụng tự ban hành ngày 19 tháng 3 năm 1973, cũng như Những Quy luật tổng quát về Năm phụng vụ và Niên lịch chung của Nghi lễ Rôma.

I. TUỚC HIỆU MỘT NHÀ THỜ, MỘT CỘNG ĐOÀN

Theo Giáo luật khoản 1218, mỗi Nhà thờ, khi thánh hiến, phải có một tước hiệu (titulus), là một vị Thánh hay Ngôi Thiên Chúa. Không được phép chọn các chân phước (á thánh) làm tước hiệu, nếu không có phép của Toà thánh. Sau khi đã thánh hiến Nhà thờ, thì không được phép đổi Tước hiệu của Nhà thờ nếu không có phép của Tòa Thánh.

Chúng ta nên nhớ, vị được chọn là Tước Hiệu (titulus) của một Nhà thờ, hay Tước hiệu của một Dòng tu, khác với vị Thánh Quan Thày (Patronus): ví dụ như tước hiệu Nhà thờ giáo xứ là Nhà thờ kính thánh Đaminh, còn quan thày giáo xứ là Đức Mẹ Mân côi; hoặc như tước hiệu của Hội Dòng Mến Thánh Giá, là Mầu Nhiệm thánh Giá, được mừng vào ngày 14 tháng 9 mỗi năm; còn lễ Thánh Quan Thày của Hội Dòng là Thánh Cả Giuse như vị Sáng lập Dòng Đức Cha Lambert de la Motte đã chọn, được mừng vào ngày 19 tháng 3 mỗi năm.

  1. THÁNH QUAN THÀY (BỔN MẠNG)

1. Việc chọn Thánh Quan Thày

Theo tập tục lâu đời và theo nghĩa phụng vụ, vị Bổn mạng hay Quan Thày là một vị thánh được chọn để tín hữu tôn kính, theo gương bắt chước và xin ngài che chở, giúp đỡ, cầu bầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Thường vị thánh này được nhiều người trong cộng đoàn biết tới, hay có những liên hệ đặc biệt, hay được giới thiệu bởi giáo quyền.

Với mỗi cá nhân Thánh Quan Thày là chính tên vị Thánh được chọn cho chúng ta khi chịu phép rửa tội, hay một vị Thánh được một cộng đoàn, một tập thể, một nhóm người hay một nơi nào chọn làm Quan thày của mình.

Thánh Quan Thày được chọn là Đức Trinh Nữ Maria và các thánh. Việc chọn thánh quan thày, theo luật phụng vụ, không được phép chọn Ngôi Thiên Chúa làm quan Thày, vì chính Thiên Chúa là Đấng được chúng ta và các Thánh cầu khẩn xin ơn phù hộ chúng ta.

Khi chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Bổn Mạng, cũng chỉ được chọn với các tước hiệu liên hệ với Đức Mẹ như được chấp thuận dùng trong phụng vụ mà thôi. Mọi tước hiệu có tính cách mơ hồ, lạ lẫm, mới đặt ra không được dùng. Đối với các tước hiệu mới này, phải được Bộ Đức Tin cho phép đặc biệt. Vì đôi khi có những sáng kiến đưa ra những tước hiệu liên hệ tới Đức Mẹ Maria, có thể làm lu mờ đức tin chân chính của tín hữu.

Cũng không được chọn một Chân phước làm Quan Thày, làm tước hiệu, nếu không có phép chuẩn của Tòa Thánh. Vì việc sùng kính các Chân phước thường rất giới hạn trong nơi, tại vùng, với cộng đoàn liên hệ tới chân phước mà thôi. Còn việc sùng kính các thánh có tính cách phổ quát trong toàn thể Giáo hội.

Theo luật phụng vụ vị Thánh Quan thày của một nơi, một nhóm người ... là một vị Thánh đã được chọn một cách hợp pháp, được giáo quyền địa phương chấp thuận và được Tòa Thánh chuẩn y sự chọn lựa này. Vấn đề phê chuẩn thánh quan thày thuộc thẩm quyền của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.

Theo văn kiện của Bộ Phụng tự ban hành ngày 19-3-1973, Thánh Quan Thày có thể chọn cho một nơi: như một quốc gia, cho một miền, một vùng, cho một giáo phận, một giáo xứ, một làng xã, một thành phố.

Thánh Quan Thày cũng có thể được chọn cho một cộng đoàn Dòng tu.

Thánh Quan Thày cũng có thể được chọn cho một pháp nhân, như một hội đoàn, một đoàn thể, một nhóm người, ... như cho Hội các bà Mẹ Công giáo ...

2. Quy luật phụng vụ về việc chọn Thánh Quan Thày

Trước tiên chỉ được chọn một Thánh Bổn Mạng mà thôi. Không được chọn một Thánh khác làm Quan Thày thứ hai, hay Quan Thày phụ (patronus secundarius).

Về thể thức chọn Thánh Quan Thày, thì văn kiện của Bộ Phụng tự vừa nói trên đây ấn định như sau:

Việc chọn Thánh Quan Thày cho một nơi được thực hiện do giáo sĩ và giáo dân; hoặc nếu là cộng đoàn dòng tu, thì đó là những người liên hệ chọn và quyết định.

Việc chọn lựa này được thực hiện qua việc bàn hỏi, hay một cuộc bỏ phiếu hay qua các đơn thỉnh nguyện.

Việc chọn lựa Thánh Quan Thày phải do giáo quyền chấp thuận: do giám mục trong giáo phận của mình; do Hội đồng giám mục cho một giáo tỉnh, hay một vùng, một miền, cho cả quốc gia; do Tu nghị tỉnh dòng cho một tỉnh dòng; do tổng tu nghị cho toàn thể hội dòng. Đối với các pháp nhân hay hiệp hội lan rộng tới nhiều vùng trên thế giới, thì chính Tòa Thánh định liệu, hay Tòa Thánh sẽ cứu xét đơn xin của quá đa số Hội Đồng Giám mục trên thế giới đề nghị.

Tiếp theo, là việc Tòa Thánh chuẩn y đơn xin của giáo quyền địa phương đệ lên. Đơn xin này gồm có các văn kiện liên hệ tới việc chọn Thánh Quan Thày, lý do tại sao có việc chọn lựa này,và việc chọn lựa đã được thực hiện thế nào? Giáo quyền địa phương phải chứng nhận việc chọn lựa được thực hiện theo đúng các quy định của Tòa Thánh.

Sau khi cứu xét đơn xin và các hồ sơ trên đây, Tòa Thánh sẽ chuẩn y bằng một Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí tích. Nếu Thánh Quan Thày được chọn lựa cho một vùng rộng lớn hơn, thì việc chuẩn y sẽ còn kèm theo một một Tông thư theo hình thức một đoản thư (Breve) của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh ký thay Đức Thánh Cha.

 

 

3. Việc cử hành phụng vụ lễ kính Thánh Quan Thày

Việc cử hành phụng vụ chỉ dành cho những Thánh Quan Thày đã được Tòa Thánh chính thức chuẩn y, hoặc việc chọn lựa đã có từ lâu đời. Ngoài ra việc chọn Thánh Quan Thày hiểu theo nghĩa rộng, là một việc đạo đức, và không có những đặc ân về phụng vụ như trường hợp thông thường.

Theo phụng vụ, Thánh Quan Thày của một nơi hay một thành, một pháp nhân, một hiệp hội, nhóm người ... được cử hành với bậc lễ trọng (sollemnitas), trên các lễ kính (festum) trong Lịch chung của Giáo hội. Vì lý do mục vụ, bậc lễ trọng này có thể dịch vào các Chúa nhật trong Mùa Giáng sinh và Mùa Thường niên.

Thánh Quan Thày của một giáo phận, một vùng, hay một quốc gia, hay một lãnh thổ rộng lớn, một nơi, một tỉnh dòng thì được cử hành với bậc lễ kính (festum), Tuy nhiên vì lý do mục vụ quan trọng, có thể cử hành với bậc lễ trọng.

Các tu sĩ có lịch phụng vụ riêng, cũng cử hành Lễ Thánh Quan Thày của vùng mình đang ở.

Các dòng tu có thể cử hành với bậc trọng thể hai trong số các lễ thánh Quan Thày, lễ Tước hiệu hay lễ Thánh Sáng lập dòng.

Nếu trước năm 1973, nơi nào có Thánh Quan Thày phụ, thì bây giờ chỉ được cử hành với bậc lễ nhớ bắt buộc.

Các vị Quan Thày trước đây được chọn vì lý do lịch sử, vì hoàn cảnh đặc biệt, thì khi chọn một vị Quan Thày mới, sẽ xin Toà Thánh cho phép chọn một vị Thánh Quan Thày khác.

III. KHÍA CẠNH MỤC VỤ CỦA VIỆC MỪNG KÍNH CÁC THÁNH QUAN THÀY VÀ LỄ TƯỚC HIỆU

Về khía cạnh mục vụ liên hệ tới việc mừng các thánh Quan Thày hay các Tước hiệu, chúng ta có thể lưu ý những điểm sau đây:

1). Khi tôn kính các thánh, nhất là thánh quan thày, các tín hữu ý thức về ý nghĩa của sự thánh thiện được thể hiện nơi các thánh, như là một biểu lộ sư thánh thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng thánh duy nhất. Một thể hiện cụ thể sự thánh thiện này là sống mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại trong đời sống của mình qua việc thực hiện các nhân đức tin, cậy mến và các lời khuyên phúc âm, cũng như các nhân đức khác, tới mức độ anh hùng qua các bậc sống của mỗi người. Như vậy sự thánh thiện trước tiên được hiểu như là một sự hiệp thông cao cả với Chúa Ba Ngôi và với Chúa Kitô phục sinh. Tất cả những việc lạ lùng nơi các thánh cần được nhìn trong khía cạnh này.

2). Cần giúp các tín hữu hiểu tín điều các thánh cùng thông công, đặc biệt do mối liên hệ giữa Thánh Bổn Mạng và các tín hữu. Sau cùng các thánh là gương sáng cho chúng ta trong việc đi theo Chúa Kitô và sống Tin Mừng, và các Ngài hướng chúng ta về cuộc sống mai sau. Công đồng chung Vaticanô II đã nói về điểm này như sau: “Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn, trái lại Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời củng cố toàn thể Giáo hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng hiện nay Giáo hội tại thế dâng lên Thiên Chúa, được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách. Được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô, khi họ đã phục vụ Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì còn thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Giáo hội. Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn” (Hiến chế tín lý về Giáo hội, Ánh sáng muôn dân, số 49). Tuy nhiên các tín hữu phải ý thức là việc bầu cử của các thánh quan thày trước tòa Thiên Chúa để giúp chúng ta trước tiên noi gương các ngài trong việc sống theo thánh ý Thiên Chúa và sống Phúc âm của Chúa Kitô và sau đó lãnh nhận được các ơn lành khác phần xác phần hồn.

3). Khi cùng nhau chọn một vị Thánh làm Quan Thày, hành động này cho thấy tính cách hiệp thông của cộng đoàn, của giáo xứ ... Như vậy đây là một hành động có tính cách giáo hội học.

4). Việc chọn Thánh Quan Thày không phải chỉ để có một ngày mừng trong năm với những lễ lạt bên ngoài, nhưng là một thúc đẩy chúng ta sống theo gương thánh thiện của vị Thánh Quan Thày. Cộng đoàn giáo xứ, tập thể cần học hỏi về đời sống, các nhân đức của Thánh Bổn Mạng, và cầu nguyện với ngài để xin ơn trợ giúp.

5). Dịp mừng lễ Thánh Quan Thày là một lễ quan trọng trong sinh hoạt của cộng đoàn, nhất là về khía cạnh thiêng liêng. Vì thế nên lưu tâm tới việc tổ chức các việc đạo đức, như tuần ba ngày trước lễ, cổ võ việc lãnh nhận bí tích giải tội, tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, học hỏi Kinh thánh, cấm phòng ....

6). Chính ngày lễ Thánh Quan Thày, dọn lễ nghi phụng vụ theo đúng tinh thần phụng vụ, tham dự thánh lễ, cử hành các giờ kinh phụng vụ, chầu Phép lành Mình Thánh. Tổ chức lễ nghi bên ngoài cho cả giáo xứ, tập thể. Đây là công việc chung, nên cần có sự tham gia của nhiều người, nhiều giới khác nhau, như các ban phụng vụ, thánh nhạc, khánh tiết, tổ chức tiệc trà, tiếp tân .... thay vì để cho ban lãnh đạo giáo xứ hay đoàn thể làm cả. Đây là dịp thể hiện sự hiệp nhất trong giáo xứ, tập thể.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932