NGƯỜI TRẺ SỐNG HIẾU THẢO VỚI ÔNG BÀ CHA MẸ
  • 24/05/2021
  • Quản trị

NGƯỜI TRẺ SỐNG HIẾU THẢO VỚI ÔNG BÀ CHA MẸ

Đạo hiếu là nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của gia đình Việt Nam. Hơn thế nữa, Thiên Chúa buộc con cái phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Là một người con, có niềm tin vào Thiên Chúa, dĩ nhiên người con đó được Thiên Chúa mời gọi sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ.


Cách đặc biệt, trong Thư mục vụ gửi Cộng Đoàn Dân Chúa ngày 15.10.2020, HĐGMVN mời gọi: “Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan hiếu thảo với cha mẹ” (số 06). Đáp lại lời mời gọi của các vị chủ chăn, xin được chia sẻ với các bạn trẻ vài điểm liên quan đến việc sống hiếu thảo trong bối cảnh xã hội hôm nay.

  1. Đạo hiếu trong văn hóa Việt Nam

Từ ngàn xưa, người Việt đề cao đạo hiếu, đạo làm con, con cái phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ vì: 

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Thực tế chúng ta nhận thấy tất cả những gì cha mẹ làm cho con cái đều miễn phí: chín tháng cưu mang, mang nặng đẻ đau, dưỡng nuôi khôn lớn, giáo dục nên người...vv. Cho nên con cái có bổn phận phải sống hiếu thảo với cha mẹ. Con cái phải thực hành chữ “NGHĨA” trong đời, đó là lòng biết ơn, nghĩa vụ sống hiếu thảo đối với cha mẹ vì công ơn, công đức của ngài dành cho con cái là lớn nhất. 

  1. Lòng hiếu thảo là giới răn của Thiên Chúa

Trong Thập Điều, Điều Răn Thứ Tư, Thiên Chúa dạy: con cái phải thảo kính cha mẹ. Trong lúc tiến về Đất Hứa, Môisen mời gọi người Do Thái: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho các ngươi” (Xh 20, 12).

Đặc biệt sách Huấn Ca viết nhiều về đạo hiếu:

  • Công ơn cha mẹ: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28).
  • Bổn phận của con cái đối với cha mẹ: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3, 3-4); “Hãy thảo kính cha mẹ bằng lời nói và việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc” (Hc 3, 8). Ngược lại “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3, 16).
  • Ca tụng các bậc cha ông: “Hãy ca ngợi cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được một gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con” (Hc 44, 1.10-11).

Đối với Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh nhân nhắc nhở con cái phải vâng lời cha mẹ: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6, 1). Hơn thế nữa, thánh nhân còn khẳng định: “Thảo kính cha mẹ...để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 3). Vậy theo thánh nhân, sống hiếu thảo là một bổn phận, đặc biệt sống hiếu thảo còn là điều kiện để con cái có được hạnh phúc và sống thọ ở trần gian này.

Còn với Chúa Giêsu, cũng như những người trẻ, Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình, có ông bà cha mẹ. Người yêu mến cha mẹ trần thế, sống hiếu thảo và vâng phục các ngài (x. Lc 2, 51-52). Đặc biệt có lần Chúa Giêsu khuyên những người Do Thái: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15, 4). 

  1. Vấn đề sống hiếu thảo hôm nay

Nhìn chung nơi các gia đình Kitô hữu hôm nay vẫn còn có con cái, cách riêng những người trẻ biết sống hiếu thảo, thực hành đạo hiếu đối với ông bà cha mẹ. Tuy nhiên, xin ghi nhận ba vấn đề phát sinh do bối cảnh xã hội bên ngoài:

Thứ nhất ngày nay có nhiều cha mẹ trẻ đang sống trong những hoàn cảnh đặc biệt: đơn thân, ly thân, ly dị...Con cái chỉ sống với cha hoặc với mẹ. Thậm chí có em phải sống mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vậy trong những trường hợp đó con cái khó có thể sống tinh thần hiếu thảo với cả cha và mẹ một cách trọn vẹn được. ĐGH Phanxicô nhận định như sau: “Các gia đình ly hôn, ly dị, tái hôn và cha mẹ đơn thân có thể là nguyên nhân gây đau khổ và khủng hoảng trên nhân cách người trẻ”[1].

Thứ hai sự phát triển của xã hội còn tạo ra khoảng cách giữa hai thế hệ: thế hệ người lớn (ông bà, cha mẹ) và thế hệ người trẻ (con cái, cháu chắt). Một số ông bà cha mẹ cho rằng: người trẻ bị mất gốc, quên truyền thống, cấp tiến...Ngược lại, một vài người trẻ quan niệm: người lớn lạc hậu, lỗi thời, bảo thủ...Vì thế trong gia đình có thể xảy ra những bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề. Cho nên tương quan giữa con cái đối với cha mẹ có khi cũng gặp những khó khăn, trục trặc.

Thứ ba ngày nay cũng có một số con cái ngược đãi, bạo hành đối với ông bà cha mẹ cao niên vì nhiều lý do khác nhau.

  1. Sống hiếu thảo theo hướng dẫn của Giáo Hội

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) xác nhận: “Lòng tôn kính, lòng hiếu thảo cha mẹ dựa trên sự biết ơn đối với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên về tuổi tác, về sự khôn ngoan và ân sủng”[2].

Lòng tôn kính cha mẹ phải được con cái bày tỏ bằng những việc làm cụ thể như ngoan ngoãn, vâng phục các ngài cách chân thành[3], con cái phải giúp đỡ cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần[4].

Trong thực hành, Giáo Hội dành trọn tháng 11 hằng năm mời gọi con cái cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã qua đời. Bên cạnh đó, Giáo Hội Việt Nam còn dành riêng ngày Mồng Hai Tết để con cái biểu lộ lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ, những người còn đang sống cũng như đã qua đời.

  1. 4.1 Tầm quan trọng của lòng hiếu thảo trong gia đình và xã hội

Trong Tông Huấn Amoris Laetitia (AL), ĐGH Phanxicô nói về tầm quan trọng của lòng hiếu thảo trong gia đình như sau: “Một gia đình mà thiếu sự kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là ký ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rời rã; ngược lại, một gia đình mà còn nhắc nhở đến quá khứ là gia đình có tương lai”[5].

Bên cạnh đó, ĐGH còn khẳng định xã hội nào không dành cho người cao niên một chỗ đứng, một vị trí thì xã hội đó đang bị ô nhiễm: “Trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người cao niên hoặc người cao niên bị loại bỏ vì tạo ra vấn đề, thì xã hội đó đã bị nhiễm vi khuẩn sự chết”[6]. “Một xã hội mà con cái không biết kính trọng cha mẹ là một xã hội không có danh dự...đó là một xã hội được định để lắp đầy bằng những người trẻ cằn cõi và tham lam”[7].

4.2.  Bổn phận của người trẻ đối với ông bà cha mẹ

Người trẻ phải có bổn phận xây dựng gia đình của mình trở thành một gia đình nhân bản, thấm nhuần tinh thần Kitô Giáo bằng tình thương, sự kính trọng, sống đức vâng lời đối với cha mẹ[8].

Vì thế, người trẻ phải thực hành lòng biết ơn, biết đánh giá cao công đức của ông bà cha mẹ, và làm cho các ngài cảm thấy như đang là một thành phần sống động của gia đình. Các ngài “đã từng đi trước chúng ta trên cùng một con đường, sống trong cùng một ngôi nhà của chúng ta, chiến đấu trong cùng một cuộc chiến hằng ngày của chúng ta hầu mưu tìm một cuộc sống xứng đáng”[9].

  1. 4.3. Thái độ đúng đắn của người trẻ đối với ông bà cha mẹ lớn tuổi, cao niên

“Đừng vứt bỏ con lúc tuổi già; đừng bỏ rơi con lúc con đã lực tàn sức yếu” (Tv 71, 9), đó là lời van xin của những người cao niên, của ông bà cha mẹ, họ sợ bị con cái lãng quên và từ bỏ. Vì vậy lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ phải được người trẻ đặt lên trên những mối tương quan khác trong cuộc sống hằng ngày[10].

Đối với những người cao niên, những người già, con cái phải có tình thương to lớn, sự kính trọng đặc biệt đối với các ngài. Con cái không được phép gạt các ngài ra khỏi gia đình, coi các ngài như là một gánh nặng, nhưng phải giúp các ngài sống tích cực, sống có trách nhiệm và hội nhập với cuộc sống gia đình[11].

Người trẻ phải trân quý người cao niên vì các ngài truyền lại, chia sẻ lại cho người trẻ kinh nghiệm sống, phương cách làm việc. Người cao niên giúp cho chúng ta biết đánh giá cao “tính liên tục giữa các thế hệ”. Các ngài luôn quan tâm lo sao cho các giá trị quan trọng nhất phải được truyền lại cho con cháu[12]. Vì thế người trẻ cần phải quan tâm và trân quý vai trò của người cao niên trong gia đình, cũng như đến để học hỏi những kinh nghiệm sống của các ngài[13].

Kết luận

Để cho con cái, cách riêng các bạn trẻ tích cực sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, Giáo Hội cũng lưu ý các bậc phụ huynh vài điểm sau:

Trước tiên, cha mẹ phải là mẫu gương sống hiếu thảo, gương sáng về đức yêu thương để con cái có thể nhìn thấy và noi theo[14]. Bên cạnh đó, cha mẹ phải hướng dẫn, giáo dục con cái để chúng trở thành người nhân bản, có tinh thần tự do và trách nhiệm[15].

Kế đến, cha mẹ phải chú ý đến quyền lợi của con cái, đặc biệt quan tâm đặc biệt đến những đứa con nhỏ tuổi, đau yếu, bệnh tật, đau khổ[16].

Sau cùng, trong gia đình cần có sự trao đổi, đối thoại, lắng nghe giữa cha mẹ và con cái. “Sự trao đổi có tính cách giáo dục giữa cha mẹ và con cái, làm cho mỗi người có thể cho đi và nhận lại”[17].

Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong

Tài Liệu Tham Khảo

 

  1. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), 1992.
  2. Youcat, 2016.
  3. Docat, 2017.
  4. Thánh Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (FC), 1981.
  5. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia (AL), 2016.
  6. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit (CV), 2019.
  7. ĐGH Phanxicô, Đồng Hành Với Gia Đình (Bộ sưu tập những giáo huấn của ĐGH Phanxicô về gia đình) do cha Giuse Phan Văn Phi và nhóm chuyển ngữ, nxb Đồng Nai, 2019.

 

 

[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit (CV), số 262.

[2] GLHTCG, số 2215; x. Youcat, số 367.

[3] x. GLHTCG, số 2216; Youcat, số 371.

[4] x. GLHTCG, số 2218.

[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (AL), số 193.

[6] AL, số 193.

[7] ĐGH Phanxicô, Đồng hành với gia đình, nxb Đồng Nai, 2019, trang 53 (Buổi tiếp kiến chung ngày 11.2.2015).

[8] x. FC, số 21.

[9] AL, số 191.

[10] x. AL, số 191.

[11] x. FC, số 27.

[12] x. AL, số 192; Docat, số 121.

[13] x. CV, số 188.

[14] x. FC, số 21.

[15] x. FC, số 21; Youcat, số 371.

[16] x. FC, số 26.

[17] FC, số 21.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932