07.10.2021 – Thứ Năm đầu tháng – Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ
  • 06/10/2021
  • Quản trị

07.10.2021 – Thứ Năm đầu tháng – Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ

Ở CÙNG

Quý Ông Bà Anh Chị Em thân mến!

Lễ Đức Mẹ Mân Côi được cử hành vào ngày 07 tháng 10 hằng năm, kỷ niệm cuộc chiến thắng quyết định của liên minh Kitô Giáo trước hạm đội của đế chế Ottoman trong trận hải chiến Lepanto vào năm 1571. Vì có nguồn gốc lịch sử như vậy, nên ban đầu, ngày lễ này được gọi là Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng. Năm 1960, Đức Gioan XXIII đã đổi tên lễ này thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi như ngày nay.

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hay Đức Mẹ Chiến Thắng, mời gọi mỗi người chúng ta hãy phó dâng cuộc đời, gia đình và đất nước chúng ta vào tay Đức Mẹ. Phó dâng bằng cách nào? Ít nhất là trong suốt tháng mười này, mỗi người chúng ta hãy siêng năng hơn trong việc lần chuỗi Mân Côi. Thiết nghĩ, bằng tất cả sự thành kính, chúng ta tin tưởng rằng: Mẹ sẽ cứu chúng ta, Mẹ sẽ che chở tất cả chúng ta trong tà áo của Mẹ, Mẹ sẽ giúp nhân loại một lần nữa chiến thắng sự dữ và bệnh tật đang hoành hành.

Nguyện chúc tất cả chúng ta luôn cảm thấy ấm áp và bình an trong vòng tay của Mẹ. Giờ đây, chúng ta cùng bắt chước Mẹ: biết chú tâm suy niệm Lời Chúa được công bố trong ngày hôm nay.

Tin Mừng: Lc 1, 26-38

Khi ấy, bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Maria nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là Lời Chúa.

Ở CÙNG

Yêu ai thì luôn muốn “ở cùng” với người ấy. Đây là một tâm lý không chỉ có ở nơi con người chúng ta, nhưng còn có ở nơi Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm về hai chữ “ở cùng” đó.

1. Thiên Chúa muốn “ở cùng” với con người

Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã muốn “ở cùng” với con người. Chính vì thế, Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Để rồi, dù con người có ở chỗ nào, dù con người có đi đến đâu, thì hình ảnh của Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với con người trong tất cả mọi nẻo đường của cuộc sống.

Tiến thêm một bước nữa, qua bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa còn sai Con của mình xuống thế làm người, nhập thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Để rồi qua mầu nhiệm ấy, con người có thể nhận biết Thiên Chúa muốn “ở cùng” với con người một cách hữu hình. Và đặc biệt, với một sáng kiến tuyệt vời, Ngôi Hai Thiên Chúa còn lập nên bí tích Thánh Thể, để “ở cùng” với con người cho đến ngày tận thế.

Tắt một lời, Thiên Chúa là Đấng luôn muốn “ở cùng” với con người. Vậy, đâu là lý do khiến Thiên Chúa phải làm như vậy? Thiết nghĩ, Thiên Chúa muốn “ở cùng”, để con người có thể sống thân tình với Ngài và được gọi Ngài là Cha (Abba). Ngài muốn “ở cùng”, để giải thoát con người khỏi vòng nô lệ của lề luật và tội lỗi. Ngài muốn “ở cùng”, để có thể mang lại cho con người hạnh phúc và tự do. Nói chung, Thiên Chúa luôn muốn “ở cùng” với con người, bởi vì Ngài yêu thương con người vô bờ vô bến.

2. Đức Maria muốn “ở cùng” Thiên Chúa

Đức Maria đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Vì thế, Mẹ đã đại diện cho nhân loại bày tỏ sự đáp trả, bày tỏ sự khao khát muốn được “ở cùng” với Thiên Chúa bằng cách thức:

Mẹ đã nói lên lời “xin vâng” để được “ở cùng” với Chúa Con. Mẹ đã luôn suy niệm những biến cố trong cuộc sống, để có thể “ở cùng” với thánh ý của Thiên Chúa trong suốt cả cuộc đời. Và nhìn chung, Mẹ “ở cùng” với Thiên Chúa, không chỉ bởi quan hệ huyết thống đơn thuần, nhưng còn bởi lòng vâng phục, tin yêu và phó thác.

Kết quả của sự “ở cùng” này là gì? Mẹ đã được Thiên Chúa che chở và ban cho muôn vàn ân sủng, không chỉ ở trần gian này, nhưng còn được mở rộng đến nơi Thiên Đàng vĩnh cửu.

3. Chúng ta hãy “ở cùng” Thiên Chúa

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Vì thế, mời gọi mỗi người chúng ta hãy noi gương bắt chước Mẹ: luôn biết xin vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Hầu nhờ đó, mỗi người chúng ta cũng sẽ luôn được “ở cùng” với Ngài trong suốt hành trình dương thế này.

Cụ thể, trong khoảng thời gian khủng hoảng bởi trận đại dịch, chúng ta hãy “ở cùng” với Thiên Chúa ngang qua những giờ cầu nguyện riêng tư, ngang qua những việc đạo đức thầm kín, nhất là hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi để suy niệm về cuộc đời của Con Thiên Chúa.

 Và cách đặc biệt, chúng ta hãy “ở cùng” với Thiên Chúa ngang qua việc biết dấn thân để “ở cùng” với tha nhân. Vì chưng, tha nhân cũng giống như chúng ta, đều là hình ảnh tuyệt vời mà Thiên Chúa đã tỏ bày ra cho nhân loại.

Tóm lại, qua dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải cho biết: Ngài luôn muốn “ở cùng” với con người chúng ta. Ở chiều ngược lại, Ngài cũng muốn chúng ta đáp trả bằng việc biết dấn thân để cũng được “ở cùng” với Ngài. Ý thức được điều đó, chúng ta hãy chạy đến cầu nguyện với Mẹ Maria! Xin Mẹ che chở và ban ơn giúp sức cho chúng ta. Để từ nay, dù cho cuộc sống của chúng ta có như thế nào, có thăng trầm ra làm sao, thì chúng ta cũng luôn quyết tâm “ở cùng” với Chúa, tựa như Mẹ khi xưa luôn “ở cùng” với Con của Mẹ: từ ban đầu cho đến chân thập giá, từ thập giá cho đến sự sống bất diệt muôn đời.

Hãy “ở cùng” với Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi vì Chúa là nguồn hạnh phúc của cuộc đời chúng ta. Amen.

Suy gẫm:

1. Trong những tháng ngày đại dịch diễn ra: tôi có “ở cùng” với Chúa không? Nếu có, thì tôi đã “ở cùng” với Chúa bằng cách nào? Đã “ở cùng” với Chúa bao lâu?

2. Tôi đã làm gì để có thể “ở cùng” với anh chị em xung quanh tôi?

3. Chiêm ngắm các thành viên từ Tràng Chuỗi Mân Côi:

- Thánh Giá chuộc tội: sự hiện diện của Ngôi Hai Thiên Chúa.

- Kinh Sáng Danh: sự hiện diện Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Kinh Kính Mừng: sự hiện diện của Đức Giêsu và Mẹ Maria.

- Kinh Trông Cậy Vì Danh Chúa Nhân Từ: sự hiện diện của Các Đẳng Linh Hồn.

- Từng Hạt Mân Côi đơn lẻ: sự hiện diện của mỗi người chúng ta.

- Những Hạt Mân Côi được nối kết lại thành một tràng chuỗi: đó chính là sự hiện diện của Giáo Hội.

Hãy siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi để “ở cùng” với tất cả.

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932