Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 4 TN Năm A
  • 01/02/2020
  • Quản trị

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 4 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

NƯỚC TRỜI DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN

 

“Phúc cho anh em” (Mt 5,11)

Sợi chỉ đỏ :

Lời Chúa trong Chúa nhựt thứ 3 vừa qua loan báo Nước Trời đã đến gần. Lời Chúa hôm nay cho ta biết thêm Nước Trời được ưu tiên dành cho những người bé mọn.

– Bài đọc 1 : Ngôn sứ Xôphônia tiên báo dân Chúa trong tương lai gồm những người nghèo hèn bé nhỏ tìm nương ẩn nơi Chúa.

– Đáp ca : ca tụng việc Thiên Chúa ưu ái những người khốn khổ.

– Tin Mừng : Đức Giêsu công bố hiến chương Nước Trời “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo…”

Minh họa

– Mille images 59

– “Phúc cho anh em” (Mt 5,11)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Chúa nhựt vừa qua, chúng ta đã nghe Đức Giêsu loan báo “Nước Trời đã đến gần”. Hôm nay, chúng ta sẽ nghe Đức Giêsu cho biết những ai sẽ được làm công dân Nước Trời : đó là những người có tâm hồn nghèo, những người sống hiền hòa, những người khao khát sự công chính v.v.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tập luyện được những đức tính ấy.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Lòng chúng ta quá lệ thuộc vào tiền bạc của cải.

– Chúng ta lo tìm kiếm hạnh phúc ở nước trần gian hơn là tìm hạnh phúc Nước Trời.

– Nhiều lúc chúng ta không coi việc làm công dân Nước Chúa là hạnh phúc, trái lại là một gánh nặng.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1 : Xp 2,3 ; 3,12-13

Dưới ách đô hộ của đế quốc Assyria, Israel trở thành nghèo hèn, bé nhỏ. Nhưng ngôn sứ Xôphônia lại xem đó là điều kiện căn bản để họ trở thành dân của Chúa. Vì thế ngôn sứ vừa an ủi họ, vừa khuyến khích họ sống công chính và khiêm nhu.

2. Đáp ca : Tv 145

Những người bị áp bức, những người đói khát, tù tội, mù lòa, lưu lạc tha phương, cô nhi quả phụ v.v. – tóm lại là những người khốn khổ – không nên thất vọng, vì Thiên Chúa sẽ đứng ra bênh vực và chăm sóc cho họ.

3. Tin Mừng : Mt 5,1-12

Đây là phần đầu của bảng Hiến chương Nước Trời, trong đó Đức Giêsu tuyên bố hạnh phúc Nước Trời được dành cho :

– Những ai có tâm hồn nghèo

– Những ai hiền hòa

– Những ai lo phiền sầu khổ

– Những ai khao khát sống đời công chính

– Những ai xót thương người

– Những ai có tâm hồn trong sạch

– Những ai xây dựng hòa bình

– Những ai bị ngược đãi vì sống công chính.

8 mối phúc này đều quy về mối thứ nhất là tâm hồn nghèo và đều dẫn tới hạnh phúc là được hưởng Nước Trời.

4. Bài thánh thư : 1 Cr 1,26-31

Bài đọc II của Chúa nhựt trước cho thấy tình trạng chia rẽ của giáo đoàn Côrintô : họ đã chia thành 4 nhóm chống đối nhau.

Đoạn hôm nay cho biết lý do : sở dĩ họ chia rẽ là vì họ kiêu căng cho rằng mình khôn ngoan hơn người khác. Thánh Phaolô lập luận cho họ thấy thứ khôn ngoan mà họ tự phụ ấy chẳng có chút giá trị gì. Ngài trình bày cho họ biết sự khôn ngoan của Chúa : những gì thế gian cho là điên dại, yếu kém, hèn mạt thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Những lời chúc mừng

Tám lời “phúc thay” trong đoạn Tin Mừng này không phải là những lời hứa (Đức Giêsu hứa rằng những ai nghèo khổ, đói khát, hiền lành… sẽ được hạnh phúc).

Tám lời này cũng không phải là những chỉ dẫn để được hạnh phúc (nếu muốn hạnh phúc thì phải có tâm hồn nghèo, phải hiền lành v.v.), mà trước hết đó là những lời chúc mừng : Đức Giêsu nói với những người nghèo, đói, bị ức hiếp v.v. rằng họ đừng buồn rầu nữa, đừng thất vọng nữa. Trái lại họ hãy ý thức rằng họ đang rất hạnh phúc, bởi vì cho dù người đời bỏ rơi họ, nhưng họ được một Đấng rất quyền phép luôn yêu thương họ, đó chính là Thiên Chúa ; cho dù họ thiếu thốn nhiều điều mà người đời tìm kiếm, nhưng họ có được một kho tàng không gì quý bằng, đó là Nước Trời. Họ hãy vui mừng vì Đức Giêsu đến trần gian để lập một nước hạnh phúc, mà nước đó Ngài ưu tiên dành cho họ.

2. Một chương trình hành động

Bài giảng trên núi mở đầu bằng những lời chúc phúc. Nghĩa là sứ điệp của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo hạnh phúc. Nhưng loan báo cho ai, và như thế nào ?

Phải đau đớn nhận rằng các lời chúc phúc ấy đã bị hiểu sai và bị lợi dụng làm một thứ thuốc phiện nhằm ru ngủ nỗi khổ đau và sự nổi loạn của những người nghèo. Người ta muốn hiểu chúng như sau : “Hỡi những người nghèo, các người hạnh phúc lắm vì các người được Thiên Chúa yêu thương… vậy cứ tiếp tục nghèo đi ! Hãy chấp nhận thân phận của các người, rồi một nào đó ở trên trời các người sẽ được hạnh phúc”. Nhưng thực ra Đức Giêsu nói ngược hẳn lại : “Hỡi những người nghèo, chúng con hạnh phúc, vì từ nay chúng con không còn nghèo nữa, vì triều đại của Thiên Chúa đã đến”.

Một vấn nạn : nếu thực sự ý nghĩa lời chúc phúc của Đức Giêsu như thế thì… Ngài đã lầm, vì vẫn luôn còn những người nghèo, và bất công vẫn còn đấy ! Nhưng đặt câu hỏi như vậy thì hỡi ôi, những người Kitô hữu chúng ta đã không làm tròn bổn phận của mình. Chúng ta chỉ chờ một mình Đấng Messia thành lập triều đại Thiên Chúa. Đúng ra Đức Giêsu là người khánh thành nước Thiên Chúa và giao trách nhiệm cho chúng ta là các môn đệ của Ngài phải hoàn thành. Những Kitô hữu đầu tiên đã hiểu rõ điều ấy : họ để tài sản của họ thành của chung và không có người nghèo giữa họ (Cv 4,34). Không thể chỉ công bố suông những lời chúc phúc mà chẳng làm gì cả theo khả năng mình để cho sự nghèo khổ dưới mọi hình thức bị biến mất.

Công việc của Đức Giêsu là khánh thành Nước Thiên Chúa. Nếu thế thì các lời chúc phúc (và những giáo huấn triển khai các mối phúc ấy) đối với các Kitô hữu là một chương trình hành động trong sinh hoạt cụ thể của họ về chính trị, kinh tế, gia đình…

Chúng nhắc chúng ta nhớ rằng động cơ hành động của chúng ta chỉ là phục vụ tha nhân và trước tiên là những người nghèo, chứ không bao giờ được là tiền bạc hoặc quyền lực.

Chúng còn ban một ý nghĩa sâu sắc cho những việc người Kitô hữu làm : một y sĩ chiến đấu với bệnh tật, một công nhân đem sản phẩm của mình làm cho đời sung túc hơn, một giáo viên cố gắng giúp giới trẻ nên người… tất cả những người ấy đều có quyền nghĩ rằng mình đang thực hiện Nước Chúa. (Etienne Charpentier)

3. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó

Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarét bằng câu : “Vạn sự sự vô thường, vạn sự khổ”, nghĩa là mọi sự đổi thay không ngừng nên mọi sự chỉ là khổ. Sinh, lão, bệnh, tử : con người sinh ra, để rồi già yếu bệnh tật, và cuối cùng phải chết. Rõ thật cuộc đời chỉ là bể khổ.

Năm trăm năm sau, Đức Kitô xuất hiện bên đất Pa-lét-tin, dõng dạc tuyên bố trong bài giảng đầu tiên : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ !” (Mt 5,3)

Một người mang tiếng là bi quan yếm thế, người kia lại bị coi như không tưởng, lạc quan quá cỡ. Một bên coi đời là bể khổ, còn một bên lại nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch trống trơn.

Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời giờ sức lực để nghiên cứu, suy tư, bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Đức Giêsu. Đã có những luận án trình bày và so sánh hai bài giảng đó. Tuy nhiên có lẽ chẳng mấy ai hiểu được chính xác nội dung ý nghĩa của hai bài giảng có tính cách ngôn sứ ấy. Vì thực ra, cả Đức Phật lẫn Đức Giêsu đều không có chủ ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ, mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại của các Ngài chính kinh nghiệm sống của mình. Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới Chân Như, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng ; còn kinh nghiệm của Đức Kitô là kinh nghiệm của một người thấy được sự tồn tại trong cái mất (x. Mt 10,39) và sự sống trong cái chết (x. Ga 12,24-25)

Đức Phật chỉ nói lên cái lý do, cái nguyên nhân làm cho người ta khổ, nhưng Người không bao giờ lên án cuộc đời, cho nó chỉ là bể khổ. Đức Kitô cũng không bảo rằng muốn hạnh phúc thì phải là kẻ khố rách áo ôm. Do đó Mát-thêu đã có lý khi thêm ba chữ “có tâm hồn” vào trong câu nói của Chúa, để xác định cho rõ cái nghèo nàn nào mới thực sự đem lại hạnh phúc cho con người.

Trong cuộc đời, xưa cũng như ngày nay, vào thời con người còn ăn lông ở lỗ, cũng như trong thời ở khách sạn 5 sao, vẫn luôn luôn diễn ra những cảnh trái khuấy : nhiều người có đủ mọi điều kiện để hạnh phúc, mà thực tế lại đau khổ khôn lường, còn những kẻ xem ra bần cùng tối tăm, lại tràn trề hạnh phúc.

Thật ra ai cũng biết rằng nghèo khó không đương nhiên là khổ, đã đành rằng nghèo và khổ thường đi đôi với nhau. Trái lại giàu có cũng không tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Vấn đề hạnh phúc chủ yếu ở cái TÂM. Bởi thế các bậc thánh hiền, bằng những ngôn ngữ khác nhau, nhưng hầu như đều luôn luôn nhất trí trong việc đề cao đời sống tâm linh.

Chính đó là lý do tại sao Đức Giêsu đề cao tâm hồn nghèo khó, hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, trong sạch, và biết xây dựng hòa bình. Thực ra tất cả những đức tính trên đây là những đức tính của “người nghèo của Thiên Chúa”, của một anawim theo truyền thống Kinh Thánh. Người nghèo của Thiên Chúa không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, biết sống cho Người và cho anh em đồng loại của mình, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn luôn sống trong tình lien đới với anh em đồng loại, thực thi điều răn trọng nhất là mến Chúa yêu người.

Nói theo Đông phương chúng ta, thì hạnh phúc chủ yếu ở chỗ thực hiện được sự hòa điệu giữa lòng mình với lòng Trời, giữa lòng mình với lòng người, nghĩa là sống sao cho hợp lòng Trời và lấy lòng của trăm họ làm lòng mình, “dĩ bách tánh tâm vi tâm” (ĐĐK XLIX, 1)

Theo truyền thống Ấn độ nói chung và Phật giáo nói riêng, hạnh phúc là sukha, đó là tình trạng giống như tình trạng của một bánh xe mà trong đó mọi sự ăn khớp với nhau : vành xe, ổ trục và các đũa xe đều tốt và nằm đúng vị trí, hòa hợp với các thành phần khác, do đó mà bánh xe chạy trơn tru. Còn đau khổ là dukha, đó là tình trạng một bánh xe trục trặc, vì có những thành phần hư hỏng hay không ăn khớp với những thành phần khác.

Nói tóm lại, không ai sướng khổ một mình hay chỉ tại mình, mà tất cả chúng ta liên đới và chịu trách nhiệm về hạnh phúc cũng như đau khổ của nhau. Vì thế mà trong Tám mối phúc thật, Đức Giêsu cho thấy hạnh phúc của chúng ta tuỳ thuộc vào mối tương quan ba chiều giữa chúng ta với Thiên Chúa, và giữa chúng ta với anh em đồng loại.

(Lm Thiện Cẩm, OP, Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt Giáng sinh 1995)

4. Chuyện minh họa

a/ Bài học của chó

Ngày nọ, W. Scott ném hòn đá vào một con chó lạc để đuổi nó đi. Nhưng ông hơi mạnh tay, nên con chó bị gãy chân. Thay vì chạy đi, con chó khập khiễng chạy lại bên ông và liếm lên bàn tay vừa ném nó. W. Scott bảo rằng ông không bao giờ quên chuyện đó, vì nó nhắc ông nhớ đến Bài giảng Trên núi.

 b/ Người hạnh phúc nhất

Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.

   Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo !

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Đức Giêsu mời gọi tất cả chúng ta : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Mà muốn nên hoàn thiện như Chúa Giêsu dạy, nhất thiết phải sống theo “Tám mối phúc thật”. Với ước mong nên hoàn thiện như Cha trên trời, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1- Đức Giêsu kêu gọi / “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn dân Chúa và các nhà lãnh đạo / biết luôn cư xử hiền hòa nhân ái / và khiêm tốn với hết thảy mọi người.

2- Trong đời sống thường ngày / vì gương mù gương xấu của một số kitô hữu / mà nhiều người đã lìa xa Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thương nâng đỡ họ / và cải hóa chúng ta / để tất cả cùng nhau xây dụng một thế giới công bình bác ái.

3- “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” / Sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng phải là lý tưởng của người kitô hữu trên khắp trái đất / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết luôn yêu mến tinh thần nghèo khó của Tin Mừng / và sống tinh thần đó trong cuộc sống thường ngày.

4- “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sống bác ái yêu thương / luôn hiệp nhất và đoàn kết / nhờ đó trở nên những người kiến tạo hòa bình.

CT : Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng đều mong muốn được hạnh phúc lâu dài. Nhưng trong thực tế, hạnh phúc mà chúng con đang có rất mong manh. Vậy, xin Chúa cho chúng con hiểu rằng hạnh phúc chỉ thực sự bền vững khi chúng con sống theo Lời Chúa dạy, đặc biệt Lời Chúa trong Bài giảng trên núi. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Kinh Tiền Tụng : Nên dùng Kinh Tiền Tụng Chúa nhựt thường niên I, vì có nói tới Giáo Hội, Nước Trời ở trần gian.

– Trước kinh Lạy Cha : Tuy chúng ta là những người nghèo nàn khốn khổ, nhưng chúng ta có một người Cha cao sang trên trời. Chúng ta hãy cùng với Đức Giêsu dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha mà chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta.

VII. GIẢI TÁN

Anh chị em hãy ra về và cố gắng sống theo tinh thần 8 mối phúc. Chúc anh chị em bình an.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932