- 26/07/2021
- Quản trị
Phải làm gì nếu các mối tương quan của bạn trở nên căng thẳng trong đại dịch Covid?
PHẢI LÀM GÌ NẾU CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA BẠN TRỞ NÊN CĂNG THẲNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID?
Tác giả: Zoe Romanowsky
Chuyển ngữ: Ngọc Quí và Văn Quyết
Từ: aleteia.org (19.7.2021)
WHĐ (24.7.2021) - Hiện nay, những mối tương quan hòa hợp trước kia có thể bị rạn nứt, khiến chúng ta thất vọng và cô đơn hơn bao giờ hết.
Nếu bạn thăm dò ý kiến của những người theo dõi bạn trên mạng xã hội, tôi cá rằng bạn sẽ thấy “các mối tương quan căng thẳng” là một trong những hậu quả trầm trọng của đại dịch do vi-rút Corona. Thời đại Covid đã tạo ra căng thẳng và chia rẽ trong gia đình và giữa những người bạn thân thiết nhất. Cho dù đó là những bất đồng về việc đeo khẩu trang, về các cuộc tụ tập xã hội nào là phù hợp, về sự an toàn của vắc-xin mới hay về nhiều khía cạnh khác liên quan đến việc phòng tránh vi-rút, chúng ta có thể nhận thấy mình mâu thuẫn với những người mình yêu mến nhất.
Chúng ta có thể làm gì trong hoàn cảnh này?
Đầu tiên, cũng như mọi điều trong cuộc sống, chúng ta nên cầu nguyện. Chúa Thánh Thần có thể làm những điều chúng ta không thể. Hãy cầu nguyện để hàn gắn những mối tương quan đang căng thẳng. Cầu xin sự hướng dẫn, sự khôn ngoan, sự hiền lành, lòng trắc ẩn. Chúng ta được hứa rằng khi chúng ta dâng những khó khăn của mình lên Chúa, trong cầu nguyện và với lòng biết ơn, "bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu." (Pl 4, 7). Càng bén rễ trong cầu nguyện, ta càng có thể giữ được bình an. Bình an là điều giúp ta ít phản ứng gay gắt hơn khi cư xử với những người khác mình.
Thứ hai, khi bạn cảm thấy tức giận hoặc thất vọng với người thân về điều gì đó liên quan đến đại dịch (hoặc bất cứ điều gì, đúng vậy!), hãy tự hỏi bản thân mình câu hỏi sau: Mỗi người chúng ta sợ điều gì nhất? Rất có thể hai bên có những nỗi sợ hãi cơ bản khác nhau và chúng thúc đẩy quan điểm của mỗi bên. Những nỗi sợ hãi này có thể dựa trên hoặc không dựa trên thông tin thực tế, nhưng việc nhận thức được nỗi sợ hãi sâu kín đang diễn ra sẽ giúp bạn dễ dàng thấu hiểu và cảm thông hơn.
Nhiều người đang sống trong nỗi sợ hãi tột độ trong những ngày này. Chắc chắn, có rất nhiều điều để lo sợ - bao gồm cả một loại vi-rút mới đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người và đã thay đổi cuộc sống như chúng ta đã biết. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta nhận được lệnh truyền “đừng sợ hãi”. Trên thực tế, chỉ thị này được lặp lại trong Kinh thánh nhiều hơn 360 lần, và chính Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta nhiều lần trong các sách Phúc âm rằng đừng sợ.
Dĩ nhiên, nói thì dễ hơn làm, nhưng Thánh Phaolô nhắc chúng ta trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 8,38-39) rằng “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.”
Nói cách khác, bạn được an toàn trong Chúa, bất kể điều gì xảy ra. Không có gì có thể tách bạn khỏi tình yêu của Chúa, thậm chí đó có là một đại dịch toàn cầu và tất cả những căng thẳng mà nó mang lại.
Càng hiểu rõ sự thật này, chúng ta càng có thể tiếp cận những người thân yêu của mình một cách an bình và tử tế hơn cho dù chúng ta không hiểu lý do hoặc quyết định của họ.
Không có cách khắc phục nhanh chóng cho các mối tương quan bị căng thẳng hoặc rạn nứt. Và chúng ta vẫn đang phòng tránh đại dịch này; nó có thể mất một khoảng thời gian trước khi cuộc sống trở lại "bình thường." Một số mối tương quan có thể mất nhiều thời gian để chữa lành. Những mối tương quan khác có thể cần những mức độ mới. Tình bạn mới có thể triển nở; tình bạn cũ cũng có thể mất dần đi. Bạn có thể đang học những điều mới về bản thân và những người khác. Bạn có thể nhận ra rằng luôn có một vài khác biệt giữa bạn và những người thân yêu, nhưng vì đại dịch đã làm cho chúng trở nên nghiêm trọng. Cho dù vậy, nếu bạn tựa nương vào Đức Kitô, và đến với mọi người trong cuộc sống của bạn với sự bình an, lòng nhân từ và sự thông cảm, thì các mối tương quan đều có thể trở nên tốt đẹp.