Gợi ý mục vụ năm 2020 - Bài 01: "CÁC CON LÀ HIỆN TẠI CỦA THIÊN CHÚA" Trong tinh thần Á Đông “tu thân, tề gia, trị quốc”, Giáo hội Việt Nam đã đề ra hướng đi mục vụ giới trẻ cho ba năm 2020 – 2022 với những điểm nhấn...
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 11: TIẾN ĐẾN HỘI NHẬP TRỌN VẸN Đôi khi kiêng tránh thuốc men một thời gian cũng giúp chữa bệnh … Đang khi đi trên con đường dài cùng Hội thánh, những anh chị em sống trong hoàn cảnh khó khăn do li dị “tái hôn”, vẫn có thể tham dự đời sống cộng đoàn như các buổi cầu nguyện, thánh lễ (không hiệp lễ) và trong các công việc bác ái từ thiện, sống làm chứng cho Phúc Âm trong việc làm nghề nghiệp và nuôi dạy con cái. Những anh chị em này vẫn được ơn Chúa trợ giúp cách nào đó. Quả thật, nếu Thánh Thể là một phương dược chống lại tội lỗi, thì “đôi khi kiêng tránh dược phẩm cũng là một việc chữa bệnh” như lời của thánh Bonaventura[1], bởi vì có những thứ thuốc chữa nếu sử dụng trước thời gian định sẽ gây hại hơn có lợi cho sức khỏe. Thật vậy, việc người li dị “tái hôn” không thể hiệp lễ là một phương thuốc chữa lành họ. Trước hết, vì điều đó nhắc họ nhớ rằng có vấn đề trong các mối quan hệ công khai hiện giờ; hơn nữa còn nhắc nhớ hoàn cảnh đó là một trở ngại trên con đường tiến triển đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân. Và từ đó, họ cảm thấy bất an, họ không thể dừng lại vì dừng lại có nghĩa là từ bỏ cùng đích của mình; họ có trước mắt cuộc hành trình phải tiến bước. Đó là một lộ trình bí tích, nghĩa là con đường tiến tới mục đích được hiệp thông trọn hảo với Đức Kitô trong Hội Thánh của Người qua ngõ các bí tích, mà điều kiện cần cho điều đó lại liên quan đến các quan hệ riêng tư của họ qua thể xác, những quan hệ ấy giờ đây mâu thuẫn với lời dạy của đức Giêsu và cách thức chính Người sống yêu thương. Kiêng tránh vì sống làm chứng cho đức tin của Hội thánh và giáo dục con cái… Ngoài ra, những người li dị này phải nghĩ đến thiện ích mà họ phục vụ cho những người khác khi họ trung thành với kỉ luật này. Tông huấn Amoris laetitia mời gọi họ tự vấn xem cuộc sống “tái hôn” của họ đang cống hiến «mẫu gương nào cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân» (AL 300). Rõ ràng nếu họ lên rước lễ họ sẽ sinh một gương mù: các bạn trẻ sẽ hiểu lầm rằng tình yêu không trường cửu, rằng có trường hợp ngoại lệ, trong đó Giáo hội ngưng chiến đấu bảo vệ dây hôn phối. Cũng cần phải nghĩ đến các gia đình đang gặp khó khăn và ở bên lề, trong khi họ cho hôn nhân của mình đã gãy vỡ: nếu họ nhìn thấy người khác vốn đang sống nghịch với hôn nhân mà lại được Giáo hội đón nhận, họ cũng sẽ cảm thấy được phép tiếp tục đi con đường lạc lối ấy. Nói tóm lại, những người li dị “tái hôn” chấp nhận không rước lễ đã góp phần phục vụ ích chung cho tất cả các gia đình. Điều đó cũng có giá trị giáo dục đức tin cho con cái. Việc không rước lễ ấy hàm chứa một giá trị giáo dục cao cho con cái và cho thấy cha mẹ chúng can đảm nêu một chứng từ đức tin thực sự. Như thế, con cái họ sẽ học được, dù đã có lỡ chọn điều mỏng manh, cha mẹ chúng vẫn có thể làm chứng cho sự thật về một đời sống trong đó Thiên Chúa là rất ý nghĩa. Điều quan trọng là cha mẹ dạy bảo con những lúc cần thiết, không phải bao bọc chúng bằng một tình thương mù quáng giam hãm, nhưng cho các bạn trẻ một chứng từ đơn sơ và chắc chắn về khả năng xây dựng một đời sống dựa trên tình yêu đích thật. Với kỉ luật này, Hội thánh nâng đỡ cha mẹ làm nhiệm vụ giáo dục đức tin cho con cái (cf. AL 246). Cuối cùng, chúng ta nhớ rằng Thánh Thể là nơi tốt nhất Hội thánh tuyên xưng đức tin của mình. Chính nơi đây, mỗi ngày Chúa nhật chúng ta đọc kinh Tin kính và sống kỉ luật về hiệp thông Thánh Thể, chúng ta làm chứng về lối sống đặc biệt Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Do đó, khi tôn trọng kỉ luật Thánh Thể, những người li dị “tái hôn” giữ được đức tin của họ sống động và hợp nhất với toàn thể Hội thánh tuyên xưng đức tin ấy. Thật vậy, đức tin ấy không chỉ là một giáo thuyết trừu tượng, như Đức thánh cha nhắc nhở chúng ta (AL 36), và những người này khi tôn trọng kỉ luật Thánh Thể là họ đã tuyên xưng niềm tin của Hội thánh vào lời hiệu quả của Đức Giêsu. Nếu Hội thánh sống khác đi thì có nghĩa là Hội thánh đang phạm một «sai lầm nơi các dấu chỉ bí tích» như thánh Tôma Aquinô nói[2]. Vì lòng thương xót đích thật Nói cách khác, nhượng bộ điều này không có nghĩa là mở ra một cánh cổng dọc các bức tường để cho nhiều người hơn bước vào, nhưng đúng hơn có nghĩa là tạo ra một lỗ hổng bên hông một con tàu, tức con tàu Noe là Giáo hội, và như thế rốt cuộc tất cả con tàu sẽ chìm chắc chắn. Một linh mục cho rằng mình đã hành động vì lòng thương xót khi nhượng bộ cho một người li dị “tái hôn” được rước lễ mà không xét đến các điều kiện nói tới trong Familiaris consortio số 84, có lẽ đã không nghĩ đến những cặp hôn nhân khác trong xứ đạo mình, vốn đang bị cám dỗ bất trung và từ bỏ hôn ước, có thể nghĩ rằng hành động của họ e không nghiêm trọng lắm và đã chịu thua cám dỗ từ bỏ gia đình? Bởi một ý nghĩ sai lầm về lòng thương xót, vị linh mục này đã vô tình đặt sự trung tín của các gia đình, ích lợi chung của Hội thánh, và chứng từ Hội thánh như ánh sáng cho thế gian, vào vòng nguy hiểm (cf. Mt 5,14). Kỉ luật về hiệp lễ của Giáo hội là một việc phục vụ lớn cho Lòng Thương Xót đối với những anh chị em này, Giáo hội không hề coi họ như những Kitô hữu hạng nhì, càng không coi họ không có khả năng tràn đầy sống Lời Chúa Giêsu. Con đường của Giáo hội, như Đức thánh cha Phanxicô khẳng định theo Thượng Hội đồng Giám mục, “không phải là con đường kết án một ai mãi mãi” (AL 296). Nói cách khác, Đạo của Chúa Giêsu mở ra cho Hội thánh niềm hi vọng: có thể quay về với sự sống Tin Mừng, hay sự sống viên mãn mà Chúa Giêsu đã hứa cho chúng ta. Đừng để mình bị cám dỗ nghĩ rằng điều này không thể là hiện thực: «chắc chắn là có thể, bởi vì đó là điều Tin Mừng đòi hỏi» (AL 102). Đang khi đi trên con đường dài cùng Hội thánh, những anh chị em sống trong hoàn cảnh khó khăn do li dị “tái hôn”, vẫn tham dự đời sống cộng đoàn như các buổi cầu nguyện, thánh lễ (không hiệp lễ) và trong các công việc bác ái từ thiện, sống làm chứng cho Phúc Âm trong việc làm nghề nghiệp và nuôi dạy con cái. Những anh chị em này vẫn được ơn Chúa trợ giúp như thế nào đó. Quả thật, nếu đúng Thánh Thể là một phương dược chống lại tội lỗi, thì cũng đúng “đôi khi kiêng tránh dược phẩm cũng là một việc chữa bệnh” như lời của thánh Bonaventura. Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận Cha xứ, cha đồng hành và cộng đoàn của anh chị đối xử với những anh chị em đang gặp khó khăn hôn nhân tan vỡ như thế nào? Anh chị em li dị “tái hôn” có cảm thấy mình sống bên lề hay bị hất hủi bởi cộng đoàn Hội thánh không? Tại sao trong tình trạng cuộc sống hiện tại của anh chị đã li dị “tái hôn” không nên lên rước lễ, dù vẫn rất được động viên tham dự thánh lễ, và dấn thân tông đồ? Lời Chúa và đời sống cộng đoàn vô cùng quan trọng cho mọi tín hữu và cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Điều đó càng quan trọng có tính sống còn đối với việc nuôi dưỡng và sống đức tin hoán cải của những anh chị em gặp khó khăn. Anh chị đã ý thức và xác tín sống điều đó chưa?
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 10: Chăm sóc những thương tích gia đình Như một bác sĩ giỏi, chúng ta phải tự hỏi vết thương tổn của những anh chị em li dị “tái hôn”, gây ra bởi sự kiện họ không được hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh, có bản chất là gì. Tiến trình hội nhập là để chữa lành vết thương này.
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 9: Hội Nhập: Trở Về Để Hiệp Thông Trọn Vẹn Đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn để cuối cùng đi về đâu? Mục đích sau cùng của việc Đồng hành là giúp phân định để rồi hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô. Sự thật được người ta nhận ra trong phân định khi đồng hành là để thay đổi đời sống, thu ngắn khoảng cách hướng về đích hiệp thông trọn vẹn qua các bí tích.
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 8: Cần phân định những gì? CẦN PHÂN ĐỊNH NHỮNG GÌ? Chúng ta đã xác định mục tiêu và cách thức của sự phân định trong tiến trình Đồng hành với các cặp hôn nhân hay sống chung. Bây giờ chúng ta có thể...
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 7: Cách Thức Phân Định Đức Thánh Cha Phanxicô nói «các Mục tử không thể cảm thấy hài lòng chỉ bằng cách áp dụng các luật luân lý cho những người sống trong những hoàn cảnh “bất qui tắc” » (AL 305). Do hoàn...
Đọc tiếp...BƯỚC ĐI TRONG ÁNH SÁNG CHÂN LÝ : SỰ PHÂN ĐỊNH Đối với các gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, Hội thánh ý thức mình phải kiên nhẫn và trong yêu thương đồng hành, dưới ánh sáng Lời Chúa giúp họ phân định để nhận ra sự thật tình trạng hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Thiên Chúa muốn. Hội thánh ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. Vậy, phân định là gì? 1. Phân định không phải là … Phân định không phải là phán xét về tình trạng ân sủng của của một người. Vì, xét cho cùng, chỉ Thiên Chúa, mới có thể phán xét nội tâm của con người. Đức Thánh cha Phanxicô đã có lần nói: “Tôi là ai mà dám phán xét người ta?” Hội thánh luôn giới hạn mình lại trong khả năng phán định hạnh kiểm bên ngoài hay tình trạng khách quan cuộc sống của một người mà thôi.[1] Khi Hội thánh không chấp nhận những người li dị tái hôn (về mặt dân sự) được rước lễ – trừ trường hợp họ không tỏ những dấu hiệu sám hối khách quan (sống tiết dục) – không có nghĩa là Hội thánh phán xét họ sống trong tình trạng tội nguy tử. Nhưng vì đó là một phán định dựa trên hoàn cảnh sống bên ngoài của họ vốn mâu thuẫn một cách khách quan với mầu nhiệm hiệp thông trong tình yêu trung thành giữa Chúa Kitô và Hội thánh Người trong Bí tích Thánh Thể. Ở đây, có hai điểm chắc chắn mà chúng ta phải lưu ý trong khi làm mục vụ: 1) Ta không thể lượng định, nhận biết hay phán xét được sự tự do của một người dấn thân trong hoàn cảnh tội lỗi khách quan tới mức độ nào. Và 2) Vấn đề xét ở đây một người có được xưng tội, rước lễ hay không (như là việc công khai), không bởi tình trạng ân sủng cá nhân hoặc bởi nhận thức chủ quan của người ấy, nhưng là bởi điều kiện khách quan công khai bên ngoài. 2. Hoàn cảnh sống công khai của một người là điều quan trọng Tại sao tính công khai của hoàn cảnh sống của một người lại quan trọng đến thế? Một điều kiện cần thiết để một người có thể được rước lễ là: trong lương tâm người ấy có thể nói: “tôi không thấy mình có tội trọng gì”. Thế nhưng điều kiện này không đủ. Tuyên bố về việc cho một người li dị tái hôn được phép Rước lễ của Hội đồng Tòa thánh về Giải thích các Bản văn Luật đã được Tông huấn Amoris laetitia trích dẫn lại (x. AL 302, chú thích 345) xác định rằng «Đón nhận Mình Thánh Chúa trong tình trạng bất xứng công khai là một việc gây tổn hại khách quan cho sự hiệp thông Giáo hội; đó là một hành vi xâm phạm các quyền lợi của Giáo hội và của tất cả các tín hữu đang sống phù hợp với những đòi hỏi của sự hiệp thông ấy»[2]. Tính chất công khai của sự kiện về tình trạng sống của một người tín hữu tạo nên một hoàn cảnh mới liên hệ không những đến lương tâm cá nhân người ấy, mà còn tới toàn thể cộng đoàn Hội thánh. Hôn nhân cốt yếu là một thực tại công khai. Thật vậy, «sự ưng thuận làm nên hôn nhân không thuần túy là một quyết định riêng tư, bởi lẽ nó tạo nên nơi mỗi người và nơi cả cặp vợ chồng một hoàn cảnh mới thuộc Giáo hội và xã hội»[3]. Nếu như hôn nhân là một chuyện riêng tư, thì bấy giờ phán quyết riêng tư về sự hôn nhân bất thành của đương sự cũng đủ để người ấy có thể đi đến kết hôn với một người khác. Tuy nhiên, khi vợ chồng kết hợp với nhau trong hôn nhân, đó là họ đã làm một cái gì vượt quá chính bản thân họ. Họ đã bước vào thực tại xã hội và Giáo hội. Bởi thế, «phán quyết của lương tâm về tình trạng hôn nhân của mình không chỉ liên hệ đến một tương quan trực tiếp giữa con người với Thiên Chúa, bỏ qua trung gian của Giáo hội, mà còn liên hệ đến cả Giáo luật ràng buộc lương tâm» (Ibid.). Hôn nhân là thực tại thuộc Giáo hội, bỏ qua điều đó là chối bỏ tính bí tích của hôn nhân. Bởi thế, vấn đề hôn nhân không thành sự đòi buộc phải có một sự phân định «bằng con đường của tòa ngoài của Giáo hội» (Ibid., 9). Đức Thánh cha Phanxicô lưu ý «có mối liên kết sâu xa giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể» (AL 318). Chính vì hôn nhân không chỉ là một sự kiện riêng tư giữa tôi, bạn đời của tôi và Chúa Giêsu, nên việc hiệp thông Thánh Thể cũng không chỉ là vấn đề riêng tư. Đức Thánh cha nhấn mạnh «ta cần biết phân định Thân Mình của Chúa, nhận ra Thân Mình ấy bằng đức tin và đức ái trong các dấu chỉ bí tích cũng như trong cộng đoàn» (AL 186). Đó là nhận biết Thân Mình ấy hiện diện trong dấu chỉ bí tích, đồng thời hiện diện trong Thân Mình Người là Giáo hội. «Thánh Thể đòi hỏi chúng ta phải hội nhập vào thân thể Hội thánh duy nhất» (AL 186). Giáo hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ (Lumen gentium 48), là «dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp thân mật với Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại» (LG 1). Chúng ta được cứu độ trong chừng mực chúng ta là thành phần của thân thể Người, là Hội thánh. Do đó, như đức Thánh cha nhấn mạnh, sự phân định phải mang chiều kích Giáo hội. Như lời Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI nói, «Đừng quên rằng “cái thần bí” của Bí tích có đặc tính xã hội» (Deus Caritas est 14; AL 186). Thế nên, sự hiệp thông Thánh Thể thể hiện qua hành động rước lễ của người tín hữu biểu lộ sự hiệp nhất Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận 1/ Theo anh /chị một người li dị tái hôn xác tín trong lương tâm cuộc hôn nhân trước đó của họ không thành sự, cần điều kiện gì để có thể công khai lãnh nhận các bí tích? 2/ Bí tích Hôn phối và Bí tích Thánh Thể có liên hệ chặt chẽ với nhau như thế nào? Tính chất “riêng tư” và “công khai” có khác gì với “tính thần bí” và “tính xã hội” trong các Bí tích của Hội thánh Chúa Kitô? Từ đó để chúng ta hiểu tại sao một người li dị tái hôn không thể xưng tội và rước lễ 3/ Trong đồng hành với những tín hữu li thân, li dị tái hôn, Hội thánh cần giúp họ như thế nào để nhận thức yêu sách về sự thật (dây hôn phối bất khả phân li) và bác ái (trách nhiệm hiện tại với những người liên hệ) theo Tin mừng? 4/ Đâu là những cản trở khó vượt qua nhất trong tiến trình hoán cải của người tín hữu đang sống trong tình trạng “trái qui tắc” để dần hướng họ tới hội nhập trọn vẹn vào Hội thánh qua thực hành các bí tích (Hòa giải, và Thánh Thể)?
Đọc tiếp...Bài 5: Các bước của lộ trình đồng hành CÁC BƯỚC CỦA LỘ TRÌNH ĐỒNG HÀNH Khởi đầu Hội thánh đồng hành đến với con cái mình nhằm thiết lập một mối quan hệ bền vững ngày càng tiến triển. Hội thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp...
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 4: ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN Những người gặp nạn bị thương cần được tiếp cận cứu giúp như trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu. Những gia đình gặp khó khăn trong tình trạng chông chênh cần được đồng...
Đọc tiếp...Gợi ý mục vụ năm 2019 Bài 3: QUI LUẬT ĐỒNG HÀNH: TIỆM TIẾN THEO THỜI GIAN Trong khi đi đường người ta cần có luật, trong khi hành hương lề luật là chân lí vì thế tuyệt đối cần thiết. Như thế luật không phải là giới hạn mà là kim chỉ nam hướng dẫn để người ta đi đường không bị lạc. Lề luật bởi thế là một trợ giúp cho tự do của con người trong khi tìm kiếm ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống, hướng đến cùng đích là Thiên Chúa. Lề luật có vai trò như nguyên tắc cho mọi sự phân định cần thiết để cất bước hành trình. Hội thánh khi đồng hành với con người ý thức rằng con người cần phải biết Lề luật của Chúa nói chung, nhưng điều đó không đủ, còn cần phải có một sự “đồng điệu” giữa con người và sự thiện hảo đích thực[1]. Hiểu như thế để tránh không rơi vào thái độ duy luật bóp chết mọi sáng kiến riêng tư trong khi tăng trưởng. Trong khi liên hệ tới luật luân lí, có một luật đặc biệt quan trọng cho việc đồng hành, đó là “luật tiệm tiến”, vốn liên hệ tới khoa sư phạm nhằm giúp con người nhận thức luân lí từng bước và nội tâm hóa lề luật. Luật luân lí ấy không ngừng được khơi dẫn dọc dài cuộc đồng hành. Ý nghĩa của nó trong đồng hành là nền tảng cho cuộc lữ hành theo chân Chúa Kitô. Luật tiệm tiến trong Đồng hành Ta không được đồng nhất “luật tiệm tiến” với “sự tiệm tiến của luật” vốn được hiểu là có “những mức độ khác nhau và hình thức khác nhau của giới luật Chúa cho những người và hoàn cảnh khác nhau”[2]. Sự hiểu lầm ấy tai hại ở chỗ người ta thỏa hiệp qua việc thích ứng những đòi hỏi mệnh lệnh của giới luật với khả năng hạn hẹp chủ quan của con người. Kiểu như khi ta nói: giới luật này quá cứng rắn với bạn, nên tôi phải ban bố một giới luật khác cũng hiệu lực cho trường hợp của bạn. Làm thế có nghĩa là đã lấy khả năng con người làm thước đo của ân sủng, tức là rơi vào chủ nghĩa Pêlagiô. Giới luật Chúa thực ra không có trường hợp ngoại lệ. Vấn đề không phải là miễn chuẩn giữ một giới luật quá sức, bởi vì không giữ luật là con người đã bị kết án hại thân rồi; chính tội trọng làm tổn thương trước hết phẩm giá luân lí người phạm tội. Đức thánh cha Phanxicô xác nhận rằng «luật cũng là quà tặng của Thiên Chúa nhằm để chỉ đường, một quà tặng cho tất cả mọi người không trừ một ai để người ta có thể sống với sự trợ giúp của ân sủng»[3]. Lề luật không nên hiểu như một cái gì áp đặt từ bên ngoài, nhưng đúng hơn như là một hành trình nội tâm hướng đến sự thiện hảo. Như thế, nói rằng không có trường hợp ngoại lệ đối với giới luật luân lí duy nhất có giá trị cho mọi người cũng có nghĩa là không có ai bị đặt ở bên lề cuộc đồng hành. Và bất kì sự đồng hành hay phân định nào «sẽ không bao giờ được phép bỏ qua những yêu sách của sự thật và bác ái theo Tin mừng như Hội thánh đề nghị» (AL 300). Sống những đòi hỏi của sự thật và bác ái là hệ quả của một sự hoán cải và tin vào Tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Giữa tình trạng tội lỗi và sống trong Đức Kitô, như là giữa tình trạng chết và sống mà ta phải chọn, không có những mức độ khác nhau. Người phụ nữ Samaria được yêu cầu không chỉ thay đổi đời sống (rời bỏ tình trạng hiện tại sống chung ngoài hôn nhân của chị: “người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18)), nhưng trước hết là nhìn nhận Đức Kitô, nhờ Người chị thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật (cf. Ga 4,23-24). Chính đó là đời sống thật của chị, một đời sống không chấp nhận có thang cấp nhiều mức độ. Một khi đã đạt được chân lí sự sống, người ta mới bước lên con đường thăng tiến mỗi ngày trong tư cách một kẻ đang sống. Nơi chị phụ nữ Samaria, điều này có nghĩa là hoán cải trở thành chứng tá của Thiên Chúa trước các đồng bào của chị. Trong cuộc sống dưới ánh sáng lề luật này, ta thấy tất cả ý nghĩa của việc đồng hành là giúp đỡ con người trong quá trình thăng tiến trong ân sủng. Có ân sủng ban đầu giúp sức, ta có thể đáp trả tình yêu thương. Ở đâu có khát khao, ở đó có một mạch nước phun trào ra sự sống muôn đời (cf. Ga 4,14). Tin vào quyền năng của ân sủng Nếu chấp nhận có sự “tiệm tiến của lề luật” thì đồng hành trở thành vô nghĩa, vì người ta không còn xem ân sủng như khởi đầu của đồng hành, không còn xem hoán cải là trọng tâm và nên thánh là cùng đích nữa. Không cần hoán cải, không nên thánh nhờ ân sủng, đồng hành không còn là việc mục vụ nữa mà chỉ là một sự bầu bạn nhân loại hay liên đới mơ hồ nào đó thôi vì thiếu mục đích. Cần phải nhấn mạnh đến cùng đích vì đó là đặc trưng của tất cả tinh thần mục vụ. Chúng ta không được hiểu hình ảnh ví von Giáo hội như một bệnh viện dã chiến theo nghĩa Giáo hội chỉ lo chữa lành những vết thương cấp thời hiện tại của con người mà thôi. Kiểu mục vụ như thế cuối cùng sẽ thất bại thôi vì chỉ lo hoàn tất viễn ảnh thần linh bằng những việc phàm nhân hữu hạn. Trái lại, chúng ta phải luôn luôn nhắm tới việc nên thánh, và đừng bao giờ cho rằng sự thánh thiện là lí tưởng quá cao vời mà những người như chị phụ nữ Samaria kia không thể với tới được. Cùng với các Đức thánh cha chúng ta vẫn rất tin tưởng vào sức mạnh của ân sủng: «Tuy nhiên, một người đã kết hôn có thể sống mức độ cao nhất của đức ái. Vì thế, người ấy có thể “đạt tới sự hoàn thiện phát xuất từ đức ái, nhờ trung thành sống tinh thần các lời khuyên Phúc Âm. Sự hoàn thiện như thế là điều có thể và mọi người nam nữ đều có thể đạt được”[4]» (AL 160). Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận 1. Anh chị hiểu lề luật Chúa để làm gì? Cách riêng, giới luật hôn nhân đơn nhất và bất khả phân li có ý nghĩa gì? 2. Tại sao không thể chấp nhận sự “tiệm tiến của lề luật”? Đâu là ý nghĩa của khoa sư phạm của Thiên Chúa trong “luật tiệm tiến”? 3. Tại sao không nhằm tới việc “nên thánh” là ta đã tự kết án mình? 4. Anh chị có kinh nghiệm hay có biết một câu chuyện một người nào đã gặp gỡ Chúa và hoán cải trên đường nên thánh không? Ủy ban Mục vụ Gia đình
Đọc tiếp...