BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG - THỨ BA 13.7.2021
  • 13/07/2021
  • Quản trị

        BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG

          THỨ BA 13.7.2021

 

Quý Ông Bà Anh Chị Em Giáo Xứ Lộ 20 thân mến!

          Xin gửi đến quý Ông Bà Anh Chị Em lời chào ngày mới. Nguyện chúc mọi người luôn được bình an trong Đức Kitô. Hy vọng tất cả chúng ta luôn giữ vững đức tin của mình, dù cho hoàn cảnh làm cho chúng ta không thể đến nhà thờ để tạ ơn và ca tụng Chúa như thường lệ.

          Giờ đây, chúng ta sẽ cùng nhau đọc và suy gẫm Lời Chúa, để lòng chúng ta được chính Đức Kitô bồi dưỡng, nâng đỡ và ủi an.

          Tin Mừng: Mt 11, 20-24

          Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. Người nói:

          “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Đó là Lời Chúa.

ĐỪNG CỐ CHẤP

          1. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu quở trách các thành: Kho-ra-din, Bết-xai-da và Ca-phác-na-um. Lý do: người dân trong những thành này đều được chứng kiến những phép lạ do Đức Giêsu đã làm, thế nhưng họ vẫn cứng lòng tin, không chịu ăn năn sám hối. Đây là một thái độ chấp mê bất ngộ. Hay nói ngắn gọn: đó là một thái độ CỐ CHẤP.

          2. Có một cậu học trò tên là Bâng. Trong gia đình, vốn được nuông chiều từ nhỏ, nên cậu ta có tính ương ngạnh, lúc nào cũng cho mình là đúng. Thầy giáo dạy toán yêu cầu Bâng nên vẽ hình bằng viết chì, thì Bâng cãi bướng: bút mực có chết ai đâu! Bạn bè nhắc nhở đừng nói chuyện trong giờ học, Bâng trả lời: tớ có miệng, thì có quyền tự do ngôn luận. Thế là cậu cứ nhất nhất sống theo cách của mình mà không hay mình đang sai lối: CỐ CHẤP.

          3. Con người chúng ta, dường như càng lớn tuổi, thì lại càng cố chấp. Vì lẽ, chúng ta cứ tưởng thâm niên hay kinh nghiệm của mình lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng hợp thời. Có những người bố dạy con thời @ này bằng chính những kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua trước năm 1945. Khác thế hệ, khác bối cảnh thì làm sao con cái chấp nhận được. Nhưng vì là bố, nên phận làm con mà không chịu chấp nhận thì chửi hoặc đi ngay cho vài đường quyền. CỐ CHẤP.

          Bên cạnh đó, ngoài dựa vào kinh nghiệm, thì con người chúng ta cũng thường hay dựa vào kiến thức để mà cố chấp. Đối với những người học rộng hiểu nhiều, họ cứ tưởng tất cả kiến thức trên trời dưới đất đã được bộ não của mình hấp thụ hết. Thế nên, những người này thường cố chấp, vì nghĩ không bao giờ mình sẽ sai. Anh sai, chị sai, chứ tôi không bao giờ sai. Do đó, đừng góp ý hay làm trật ý tôi. Ý tôi luôn luôn đúng. Cách làm của tôi luôn luôn đúng…. Nên biết: để cho ra được một thành quả có giá trị, thì trước đó, các nhà bác học đã thử nghiệm sai cả trăm, thậm chí cả ngàn lần. Vậy, dù cho có giỏi cở nào, thì có lúc chúng ta cũng sẽ sai. Do đó, đừng bao giờ CỐ CHẤP.

          Còn những người kiến thức hạn hẹp hoặc không biết gì thì sao? Đôi khi những người này còn cố chấp hơn bất cứ ai khác. Vì sợ người ta biết mình yếu, vì sợ người ta biết là mình không biết, vì sợ người ta không chấp nhận ý kiến của mình, nên nhiều khi họ phải dùng “kế cãi bướng” để bảo vệ quan điểm của mình: CỐ CHẤP.

          4. Nhìn chung, có hai thứ căn bản mà con người thường hay cố chấp: cố chấp vào cái tôi, và cố chấp vào cái của tôi. Cố chấp vào cái tôi, tức là cố chấp vào cái thân thể này. Nhiều khi, chúng ta chăm sóc cho thân thể chúng ta một cách thái quá, khiến chúng ta không còn thời giờ để làm những việc khác, không còn bao dung để hướng đến người khác. Còn chấp vào cái của tôi, đó có thể là lý tưởng của tôi, những người thân yêu của tôi, tài sản của tôi… Chính khi chúng ta cố chấp bám vào những điều đó, thì chính những điều đó cũng sẽ làm cho chúng ta đau khổ.

          5. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể bớt đi sự cố chấp hầu giúp cho cuộc đời bớt khổ và trên nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn? Có lẽ, chúng ta phải tập buông bỏ những điều liên quan đến cái tôi và cái của tôi được kể ra dưới dưới đây:

          - Buông bỏ thể diện: trong cuộc sống, đôi khi vì thể diện, vị sợ xấu hổ nên có rất nhiều thứ chúng ta chẳng thể buông xuống được. Để rồi đến phút cuối, chúng ta cũng phải chết vì chính cái thể diện ấy. Tội tình gì phải như vậy! Đừng cố chấp nữa, hãy buông cái thể diện ấy xuống đi. Nên nhớ rằng: đôi khi cúi đầu xuống sẽ giúp chúng ta nhìn rõ được con đường dưới chân. Điều đó không có gì phải xấu hổ cả.

          - Buông bỏ áp lực: trong cuộc đời này, mệt mỏi hay không là do cái tâm của mình quyết định. Áp lực giống như bụi bám trong căn phòng tâm hồn. Nếu chúng ta không chịu loại bỏ nó, thì căn phòng tâm hồn chúng ta sẽ trở nên dơ bẩn, u ám, không có sức sống. Ngược lại, nếu chúng ta chịu quét dọn, tức là chịu loại bỏ bụi bẩn, thì tự khắc căn phòng tâm hồn sẽ trở nên sạch đẹp. Thế nên, hãy buông bỏ những áp lực mỗi khi có thể, đừng cố chấp bám lấy nó. Để nhờ đó, niềm vui sẽ có nhiều không gian rộng lớn hơn để ùa vào tâm hồn chúng ta.

          - Buông bỏ quá khứ tiêu cực: chỉ những ai biết buông bỏ quá khứ tiêu cực, thì người đó mới có thể sống hạnh phúc. Quá khứ tiêu cực chỉ có thể buông bỏ khi chúng ta can đảm tiếp nhận hiện thực và tự nhủ với lòng: cứ thuận theo tự nhiên. Quá khứ tiêu cực chỉ có thể buông bỏ khi chúng ta học cách thản nhiên đối mặt với tai ương, khổ nạn. Hãy nhớ: khi buông được những quá khứ tiêu cực, thì tự nhiên hiện tại và tương lai nơi cuộc đời chúng ta sẽ bừng sáng hơn.

          - Buông bỏ sự tự ti: hãy xóa từ tự ti ra khỏi cuốn từ điển. Đừng cố chấp bám lấy hai chữ tự ti và cũng đừng để hai chữ tự ti bám lấy mình. Nên nhớ: không phải ai cũng có thể trở thành vĩ nhân, nhưng nếu buông bỏ được sự tự ti, thì bất cứ ai cũng đều có thể trở thành người có tâm hồn mạnh mẽ. Thế nên, hãy tự tin vào bản thân, tìm đúng vị cho mình. Đừng cố chấp thu mình vào vỏ ốc bằng thái độ tự ti. Hãy buông tự ti ra để cuộc đời được vươn lên.

          - Buông bỏ sự tiêu cực: khi tuyệt vọng, nhìn sang bên trái và dùng ánh mắt hy vọng nhìn sang bên phải. Hãy để sự tích cực thay thế sự tiêu cực. Hãy để sự cao thượng thay thế sự thấp hèn. Hãy để lòng khoan dung thay thế những điều nhỏ nhen. Hãy để niềm vui thay thế phiền muộn. Hãy để sự nỗ lực thay thế biếng nhác. Hãy để sự vĩ đại thay thế điều vụn vặt. Chỉ cần cố gắng buông bỏ, không cố chấp bám lấy những điều tiêu cực, chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc.

          - Buông bỏ oán hận: oán hận luôn gây trở ngại, có đôi khi còn đóng kín cánh cửa liên đới giữa ta với tha nhân. Tệ hại hơn, người hay oán hận là người tự trói buộc mình trong vòng nô lệ. Biết được điều đó, chúng ta hãy tập buông ra và bỏ đi. Đừng cố chấp bám lấy oán hận làm chi để tự làm bản thân đau khổ. Ngược lại, thay vì oán thận thì hãy nỗ lực mở ra để tha thứ. Và đó là bước đầu để hạnh phúc tìm đến chúng ta.

          - Buông bỏ sự nhỏ nhen: bao dung là một mỹ đức cao đẹp. Bao dung với người khác, kỳ thực chính là chừa lại một con đường cho tâm hồn mình. Chỉ trong thế giới bao dung mới có thể tấu lên những khúc ca êm dịu. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ cố chấp bám lấy những điều nhỏ nhen để rồi tự bắt chẹt đường sống của mình. Ngược lại, hãy bao dung để tâm hồn được mở rộng. Vì lẽ, khi tâm rộng mở, thì trời đất cũng thênh thang.

          6. Tóm lại, còn cố chấp không chịu buông bỏ là còn khổ. Những người dân trong những thành được kể đến hôm nay, do cố chấp không chịu buông bỏ, không chịu ăn năn sám hối, nên họ mới bị Đức Giêsu quở trách. Chúng ta thử nghĩ xem: cố chấp, cứng lòng tin để bị Chúa trách như thế, thì cuộc đời mai hậu của họ sẽ như thế nào? Chắc chắn là rất khổ.

          Ước mong mỗi người chúng ta sẽ không cố chấp như thế. Ngược lại, chúng ta biết ăn năn sám hối ngang qua việc thực hành buông bỏ cái tôi và buông bỏ những cái của tôi mỗi ngày. Hầu nhờ đó, chúng ta sẽ không bị Chúa trách phạt, nhưng được Chúa vui vẻ mỉm cười và giơ tay chúc lành cho chúng ta.

          Đừng cố chấp bám lấy những điều không cần thiết nữa. Hãy biết buông bỏ để trở nên nhẹ nhàng hơn. Amen.

          * Gợi ý suy gẫm:

          1. Đâu là những đam mê xấu, những tật xấu mà tôi chưa buông bỏ được? Hãy chiêm ngắm và suy gẫm về tác hại của nó đối với gia đình, và đặc biệt là đối với ơn cứu độ của bản thân.

          2. Những lần tôi sai, nhưng vẫn cố chấp không nghe lời góp ý của người khác, hãy nhớ lại xem gương mặt, thái độ và hành động của tôi lúc đó như thế nào?

Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện

 

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932