BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG -THỨ HAI 12.7.2021
  • 12/07/2021
  • Quản trị

          BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG

          THỨ HAI 12.7.2021

Ông Bà Anh Chị Em Giáo Xứ Lộ 20 thân mến!

          Một ngày mới, một tuần mới và một sự sống mới lại bắt đầu. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Chúa lời tạ ơn. Và thiết nghĩ, lời tạ ơn mà Chúa thích nhất, đó chính là việc mỗi người chúng ta biết dành chút ít thời gian để đọc, nghiền ngẫm và đem áp dụng Lời của Ngài vào chính cuộc sống của mình.

          Tin Mừng: Mt 10, 34 – 11, 1

          Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.

          “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

          “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

          “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

          Khi Đức Giêsu ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

Đó là lời Chúa.

KHÔNG CHIẾN ĐẤU MỘT MÌNH

          1. Đọc qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy dường như có một điều gì đó nghịch lý. Tại sao Đức Giêsu không đến để đem hòa bình, nhưng lại đem chiến tranh?

          Thật sự, chúng ta phải đi vào chiều sâu của vấn đề thì mới hiểu được. Chúng ta đừng tưởng hòa bình là không có chiến tranh. Nhưng đúng hơn, hòa bình đích thực chỉ có sau những trận chiến ác liệt. Trận chiến là cuộc phân chia phải – trái, thiện – ác. Và chúng ta chỉ thực sự chiến thắng, nghĩa là chỉ thật sự có được hòa bình, khi chúng ta quyết liệt chiến đấu để chọn lấy điều thiện. Vì thế, nếu không tích cực chiến đấu thì không thể trở nên thánh thiện như Cha trên trời được; nếu không tích cực chiến đấu thì đồng nghĩa là bản thân còn lơ lửng chưa dứt khoát. Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng ương ương dở dở đó. Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, hâm hâm dở dở, Thiên Chúa sẽ loại trừ.

          2. Người ta thường nói: sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại dịch bệnh, chống lại không biết bao nhiêu kẻ thù, và có đôi khi con người còn chiến đấu để chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa của mình. Con người chiến đấu như thế là để tồn tại, để thăng tiến. Đó là những mục tiêu rất “đời”. Riêng người Kitô hữu chúng ta, bên cạnh những mục tiêu xem ra rất “đời” đó, chúng ta còn chiến đấu với mục tiêu thiêng liêng hơn, vĩ đại hơn, đó là chiến đấu để có được sống đời đời.

          3. Chiến đấu để đạt được mục tiêu ấy không phải là chuyện dễ dàng, tự sức chúng ta khó lòng mà làm được. Tuy nhiên, chúng ta hãy yên tâm: ơn Chúa đủ cho chúng ta, lúc nào Chúa cũng bổ sức và trợ lực để giúp chúng ta chiến đấu. Sự kiện Đức Giêsu chiến thắng cám dỗ trong sa mạc là bằng chứng cho điều đó.

          Sở dĩ, Đức Giêsu chiến thắng Satan, vượt qua được cám dỗ là vì Ngài không chiến đấu một mình, nhưng chiến đấu cùng Chúa Cha. Sức mạnh duy nhất của Ngài là Chúa Cha. Lương thực của Ngài là thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hợp nên một với Chúa Cha. Chúa Cha là tất cả cuộc đời Ngài. Nhờ Chúa Cha, Ngài có động lực và sức mạnh để chiến đấu đến cùng và chiến thắng.

          4. Người Kitô hữu chúng ta muốn đạt được cùng đích cuộc đời mình, thì chúng ta cũng phải bắt chước y như Đức Giêsu vậy: luôn chiến đấu cùng Chúa và luôn chiến đấu bằng sức mạnh của Chúa. Chúng ta đừng tự cao tự đại, cứ cho bản thân mình là anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu 1 mình và tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Đừng anh hùng rơm như vậy! Bởi đó là một thái độ sai lầm, một hành động dại dột tự đào mồ chôn lấy chính mình. Ngược lại, hãy luôn cậy dựa vào sức mạnh của Chúa để chiến đấu.

          5. Thực hành cụ thể, chúng ta hãy luôn quy chiếu vào Lời Chúa, dùng Lời Chúa làm khí giới, làm thuẫn đỡ để chiến đấu trước những thử thách, phong ba xảy đến trong cuộc đời. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy dùng Lời Chúa soi dẫn trước những biến cố lớn nhỏ, trước những suy nghĩ, quyết định và hành động, trước những sự việc và hoàn cảnh mà bản thân phải đối diện. Làm được như thế, là chúng ta có thể mượn lời của thánh Phaolô để thốt lên: tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi; tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu, mà là chính Đức Kitô đang chiến đấu trong tôi.

          6. Tóm lại, sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là sự sống của Đức Kitô đang châu lưu trong từng người Kitô hữu chúng ta. Sự sống ấy của Đức Kitô chính là sức mạnh, là nguồn trợ lực giúp chúng ta chiến đấu và giành được chiến thắng trước những sự dữ nội tại và ngoại tại đang hoành hành. Hay nói cách khác, dù sự dữ có nguy hiểm đến cỡ nào, thì người Kitô chúng ta cũng không bao giờ phải chiến đấu một mình. Chúng ta có Chúa luôn đồng hành.

          Ước mong mỗi người chúng ta hiểu được điều đó. Để từ nay, dù cho hoàn cảnh có tệ hại như thế nào, dịch bệnh có bi đát ra làm sao, thì chúng ta cũng không bao giờ bỏ Chúa, không bao giờ buông Chúa ra.

          Hãy nhớ: nếu không bỏ Chúa, thì chúng ta không bao giờ phải chiến đấu một mình. Và đó là lý do giúp chúng ta luôn là người chiến thắng. Amen.

* Gợi ý suy gẫm:

1. Tôi có tích cực tìm kiếm thánh ý và sức mạnh của Chúa ngang qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa không?

2. Trước những khó khăn, thử thách trong đời, tôi đã chiến đấu bằng sức mạnh của ai: sức mạnh của chính mình, của tà thần bói toán, hay của Chúa?

3. Hãy nhớ lại xem: đâu là những phút giây trong ngày tôi dễ “buông” Chúa ra nhất? Tại sao vậy?

Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện

 

         

         

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932