CÁI RỐN CỦA VŨ TRỤ
  • 04/10/2021
  • Quản trị

          CÁI RỐN CỦA VŨ TRỤ

Xin chào Quý Ông Bà Anh Chị Em!

          Bước vào ngày mới, nguyện chúc tất cả chúng ta luôn có được sự bình an của Đức Kitô.

          Giờ đây, chúng ta cùng đọc và gẫm suy lời Chúa được gửi đến chúng ta trong ngày hôm nay.

          Tin Mừng: Lc 10, 38-42

          Khi ấy, Đức Giêsu vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”

Đó là Lời Chúa.

CÁI RỐN CỦA VŨ TRỤ

          1. Bệnh nhân Matta

          Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy: cả Matta và Maria đều rất yêu mến Đức Giêsu. Tuy nhiên, mỗi người lại có những cách thức để thể hiện tình yêu hoàn toàn khác nhau. Matta thì thể hiện tình yêu qua việc tất bật nấu nướng để thết đãi Đức Giêsu. Còn Maria, chị thể hiện tình yêu bằng việc ngồi bên cạnh Đức Giêsu để nghe Ngài nói chuyện. Cách thức nào cũng đẹp, cũng tốt và cũng có giá trị. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: Matta đã có thái độ bực bội trong khi thể hiện tình yêu của mình. Tại sao?

          Matta bực bội không phải vì công việc quá nhiều, nhưng là vì Matta cảm thấy bản thân không có được sự quan tâm. Trong khi Matta đang chân chạy, tay quơ, mồ hôi nhễ nhại, thì dường như Đức Giêsu và Maria chẳng thèm để ý tới, cả hai chỉ lo nói chuyện vui vẻ với nhau. Điều này đã làm cho Matta cảm thấy lẻ loi, mủi lòng, xen lẫn vào đó là sự ghen tị và hờn dỗi.

          Nhìn sâu hơn một chút, chúng ta thấy: dường như nơi Matta còn có một sự so sánh về giá trị công việc. Chị cho rằng: trong việc đón tiếp Đức Giêsu, thì điều cần thiết và quan trọng nhất là phải lo bếp núc cho đàng hoàng, nấu nướng cho thật ngon. Đàng này, Maria lại ngồi im một chỗ - một việc đối với Matta là vô giá trị. Chính vì thế, Matta đã trách móc và muốn Maria phải bắt chước, phải làm theo, và phải giống như mình.

          Qua thái độ các cách ứng xử đó, chứng tỏ Matta đã mắc phải căn bệnh “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ”. Vì mắc phải căn bệnh này, nên chị muốn Đức Giêsu và Maria phải tập trung về mình. Vì mắc phải căn bệnh này, nên chị muốn công việc nấu nướng của chị phải được người khác xem trọng và đánh giá cao nhất.

          Thật tội cho Matta! Trong khi mọi thứ đang diễn ra hết sức tốt đẹp, thì đùng một cái, căn bệnh “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” đã khiến chị gặp trục trặc trong mối tương quan với Chúa và với tha nhân.

          2. Bệnh nhân thời nay

          Nhìn về Matta, có lẽ mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy giật mình. Giật mình, bởi vì con người thời nay cũng thường mắc phải căn bệnh đó, căn bệnh “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ”, là trung tâm, là chuẩn mực của tất cả mọi sự.

          Triệu chứng của căn bệnh này được thể hiện như sau: cái gì tôi thích, thì tôi muốn người khác cũng phải thích giống như tôi; cái gì tôi cho là quan trọng, thì tôi cũng muốn mọi người đều coi là quan trọng. Trong công việc, ai làm theo ý tôi thì không sao, nhưng hễ ai làm trái ý tôi, thì tôi hậm hực và bực bội: nhẹ thì giận hờn, nặng thì nghỉ chơi, xé bỏ tương quan.

          Chưa dừng lại ở đó, người “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” còn vướng phải một cái tật là thích khoe khoang. Chắc hẳn, ai ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm: trong một buổi gặp gỡ, chúng ta thường bị tra tấn bởi những người luôn tìm mọi cách để phô trương cái tôi của họ. Họ khoe mẽ về mình mà không ngượng miệng, không sợ gây phiền toái cho người khác. Vậy, họ thường khoe những gì?

          - Thứ nhất, khoe về cái tôi vật chất. Những người “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” thường phô trương nhà cửa, địa vị, các mối quan hệ xã hội… Họ phô ra những thứ đó để muốn khẳng định sự hơn người. Trên môi của những người này thường thốt lên câu hỏi: có biết tôi là ai không? Câu hỏi ấy giống như cái thẻ căn cước của họ vậy.

          - Thứ hai, khoe về cái tôi tinh thần. Những người “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” thường thích chứng tỏ mình thông minh, hiểu biết hơn người và tài năng xuất chúng. Khi làm được một việc gì tốt, họ tìm cách quảng cáo, đẩy việc đó lên cao. Khi nói được một câu hay, trở thành “hot trend” trên mạng xã hội, ngay lập tức họ liền ưỡn ngực vươn vai để mong đón nhận những lời xông hương, ca tụng….

          Mỗi người chúng hãy thử nhìn lại xem: trong đời sống thường ngày, chúng ta có thường thể hiện ra những triệu chứng như vừa nói hay không? Nếu có, thì chúng ta đang mắc phải căn bệnh “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ”. Và khi đó, nguy cơ rất cao là chúng ta sẽ đánh mất chính mình, không còn biết mình là ai và có những giới hạn như thế nào. Tệ hại hơn, khi mắc phải căn bệnh ấy, dần dần chúng ta sẽ bị mọi người xung quanh xa lánh. Điều này khiến cho chúng ta trở thành một cá thể lẻ loi với một cuộc đời buồn tẻ.

          3. Hãy biết thu mình lại

          Ước mong mỗi người chúng ta hiểu được tác hại to lớn của căn bệnh “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ”. Để rồi từ nay, chúng ta biết ý thức thu mình lại.

          Hãy như Maria, biết thu mình lại ngồi bên chân Chúa, để được đón nhận những Lời hằng sống.

          Hãy như Đức Giêsu, biết thu mình lại để vâng phục Chúa Cha, biết thu mình lại để sống gần gũi với con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, đói khát và bệnh tật.

          Hãy biết thu mình lại, để chúng ta bớt ảo tưởng, bớt lối sống trên mây trên gió.

          Hãy biết thu mình lại, để chúng ta có thể nhận ra bản thân thật sự nhỏ bé, chưa hoàn thiện, nên cần phải học hỏi và trau dồi thêm.

          …

          Tóm lại, đừng ai “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ”. Nhưng ngược lại, hãy biết thu mình để sống hòa hợp với Thiên Chúa và tha nhân. Amen.

          Suy gẫm:

          Trong gia đình, trong giáo xứ, trong môi trường làm việc, tôi có thường đề cao bản thân, tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ” hay không? Tôi thường làm gì để chứng minh bản thân mình là “cái rốn của vũ trụ”: quát tháo, giận hờn, bắt người khác làm theo ý mình…? Hãy tưởng tượng và cảm nhận nỗi khổ của những người xung quanh, khi họ phải đối diện với “cái rốn của vũ trụ” là chính tôi.

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện

 

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
16/07/2022
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNC)

Đọc tiếp...
09/07/2022
Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Ai là người thân cận (10.7.2022 – Chúa nhật 15 TN, Năm C)

Đọc tiếp...
02/07/2022
Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Xatan từ trời sa xuống (03.7.2022 Chúa Nhật 14 TN Năm C)

Đọc tiếp...
29/06/2022
Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Anh là tảng đá (29.6.2022 – Thứ Tư- Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)

Đọc tiếp...
25/06/2022
Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Trước đã (26.6.2022 – Chúa Nhật 13 TN năm C)

Đọc tiếp...
18/06/2022
Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Ngài cầm bánh bẻ ra - (19.6.2022 Chúa Nhật 12 TN - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Đọc tiếp...
12/06/2022
Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Dẫn tới sự thật toàn vẹn (12.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm C)

Đọc tiếp...
04/06/2022
Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Hãy nhận lấy Thánh Thần (05.6.2022 – Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống)

Đọc tiếp...
21/05/2022
Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đến và ở lại (22.5.2022 – Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
14/05/2022
Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Điều Răn Mới (15.5.2022 – Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh)

Đọc tiếp...
Thống kê truy cập
  • ĐANG ONLINE : 0
  • TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 236932